Bí kíp tiết kiệm nhiên liệu khi giá xăng biến động
Blog Nhịp Sống Khỏe

Bí kíp tiết kiệm nhiên liệu trong thời kỳ giá xăng biến động

Gần đây, ngoài việc theo dõi giá vàng, người dân còn tập trung theo dõi tình hình giá xăng. Vào giờ cao điểm, ngoài tắt đường tại khu vực đèn đỏ, chúng ta có thêm kẹt xe tại cây xăng. Giá xăng chưa kịp “hồi phục” hoàn toàn thì tình trạng “thiếu xăng, hết xăng, ngưng phục vụ” bắt đầu nổ ra không chỉ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều tỉnh thành khác. Trong thế bị động của người tiêu dùng, đâu là bí kíp “sinh tồn” giữa thời kỳ xăng biến động?

 

Sử dụng xe đúng cách để tiết kiệm xăng

Tiết kiệm xăng không chỉ đơn thuần là việc hạ tần suất sử dụng phương tiện đi lại để giảm lượng nhiên liệu tiêu hao. Nếu bạn không phải nội trợ hay người làm việc tại nhà, nhu cầu di chuyển thường xuyên là không tránh khỏi. Vì vậy, việc sử dụng xe đúng cách để tiết kiệm xăng sẽ là phương án khoa học giải quyết bài toán kinh tế này.

Kiểm tra tổng thể, vệ sinh và bảo dưỡng xe định kỳ: Cũng giống như con người, khám sức khỏe định kỳ là cách để chúng ta kiểm tra tình trạng sức khỏe, từ đó kiểm soát được các mầm mống bệnh. Tương tự, một chiếc xe được bảo trì thường xuyên sẽ có tuổi thọ cao hơn và hoạt động hiệu quả hơn nhiều lần. Thường xuyên rửa xe, thay nhớt, tra dầu, kiểm tra đều đặn hay giữ các bộ phận bên trong xe sạch sẽ (đặc biệt là lọc gió và bugi) giúp xe ít “ngốn” nguyên liệu hơn. Chẳng hạn, đối với xe máy, sau tầm 1000 - 1200 km thì nên thay nhớt máy một lần và sau 4000km nên thay dầu hộp số một lần.

Khởi động xe và tắt máy đúng cách: xe đã qua nhiều ngày không được lăn bánh thì cần được nổ máy và giữ máy khoảng 1 phút đến 1 phút 30 giây để các động cơ nóng đều và dầu được bơm đến các bộ phận hoàn tất. Tắt máy khi tạm dừng xe trên 30s (ví dụ dừng đèn đỏ) và trả số về toàn bộ khi ngừng di chuyển hoàn toàn. Xe vẫn nổ máy khi đứng yên không những làm hao tốn nhiên liệu một cách vô ích mà còn gây ồn và ô nhiễm không khí.

Duy trì tốc độ ổn định: Khi lên ga hay tăng số đột ngột, xe sẽ phải tiêu hao nhiên liệu để đẩy tốc độ lên mức mong muốn. Tương tự với việc giảm tốc độ bất thình lình. Thế nên, hãy chọn vận tốc phù hợp với tuyến đường, lịch trình di chuyển và cố gắng duy trì nó ở mức ổn định. Khi vào đoạn đường nhiều ổ gà hay tắt đường, đi chậm ổn định sẽ giúp tránh xóc nảy, hạn chế va chạm.

Lưu ý về trọng tải quy định: Mỗi loại phương tiện đều ghi rõ trọng lượng tối đa có thể chuyên chở, hãy ghi nhớ con số đó và đừng cố vượt qua giới hạn. Khi bạn “bắt” xe làm việc quá khả năng của nó, tiêu tốn nhiên liệu phát sinh là điều hiển nhiên, chưa kể đến hao mòn động cơ về lâu dài. Không chở quá số trọng tải quy định (ví dụ 2 người lớn với xe 2 bánh) và hạn chế vật nặng cồng kềnh, hãy nhớ lượng nhiên liệu tiêu hao tỷ lệ thuận với trọng lượng xe phải chuyên chở.

 

Không lòng vòng, đi đúng đường, về đúng hướng

Hai trong những “kẻ thù” vô hình của bình xăng chính là sở thích đi lòng vòng hóng gió và không có định hướng cho đoạn đường sắp đi. Hệ luỵ rõ ràng nhất là bình xăng mới đổ đầy buổi sáng tối về đã “bốc hơi" gần hết. Tần suất lặp lại càng thường xuyên thì bình xăng lẫn túi tiền càng nhanh “lên tiếng cầu cứu".

Để giải quyết vấn đề này trước hết bạn cần một kế hoạch di chuyển khoa học. Bạn có thể giảm tần suất đi dạo bằng xe máy và thay bằng dạo bộ hoặc đạp xe mỗi cuối tuần. Hay trước khi ra đường, hãy xác định lộ trình một cách rõ ràng bằng cách tra bản đồ để tìm ra con đường ngắn nhất và thông thoáng để di chuyển. Tránh đi đường vòng không cần thiết hay chạy vào con đường thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Đi đúng hướng, về đúng đường và cuối tháng kiểm tra bạn sẽ bất ngờ về số tiền xăng mình đã tiết kiệm được.

Sử dụng phương tiện thay thế

 

Muốn tiết kiệm xăng thì đơn giản là không dùng xăng. Nói cách khác, bạn cần một phương tiện thay thế không còn phụ thuộc nhiên liệu bên ngoài. Không kể đến phương tiện công cộng như xe buýt vì tính bất tiện giờ giấc cũng như tuyến đường cố định, hay taxi và xe ôm công nghệ vì chi phí cao thì sau đây là hai lựa chọn đáng cân nhắc.

Xe đạp: Nếu các điểm di chuyển không quá xa, xe đạp sẽ là lựa chọn vừa tiết kiệm, vừa tốt cho sức khoẻ và thân thiện với môi trường.

Xe điện: Đây chính là xu hướng phương tiện đi lại trong tương lai, giải quyết vấn đề khủng hoảng giá xăng dầu nhưng vẫn đảm bảo tính tiện lợi, nhanh chóng, áp dụng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường.

Tổng kết

Trong tình hình kinh tế biến động và sự bất ổn về chính trị trên thế giới, giá xăng chỉ là một trong những vấn đề bị ảnh hưởng kéo theo. Thiết lập cho mình một lối sống tiết kiệm mới là hướng giải quyết bền vững về lâu dài trong tương lai.