Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

4 chỉ số giúp bạn quản lý tài chính dễ dàng

“Chi xài bao nhiêu là sáng suốt? Dành dụm bao nhiêu thì đủ?” là câu hỏi muôn thuở của những ai quan tâm đến quản lý tài chính cá nhân. Và nếu không thể tìm được câu trả lời, hầu hết chúng ta sẽ hành động theo cảm tính để rồi khi hữu sự lại phải chạy đôn chạy đáo lo tiền bạc.

Chính vì thế Prudential sẽ giới thiệu đến bạn 4 phương pháp ước lượng đơn giản sau đây để giúp bạn tính toán và lên kế hoạch chi tiêu, dành dụm một cách hiệu quả và dễ dàng.

Chi tiêu với quy tắc 50-20-30

Kiểm soát chi tiêu luôn là vấn đề đau đầu của nhiều người, nhất là trong thời đại ngày nay khi việc thanh toán vô cùng dễ dàng nhờ sự có mặt của các loại thẻ, Internet và các thiết bị điện tử thông minh. Những “cơn shopping” bất chợt trên các trang mua sắm online hay những buổi tụ họp bạn bè quá chén đều có thể khiến bạn lâm vào tình trạng “vung tay quá trán”.

Theo các chuyên gia tài chính, dù mỗi người có nhu cầu chi tiêu khác nhau nhưng nên theo một quy tắc 50-20-30. Đây là tỷ lệ của 3 khoản tiền chia ra từ thu nhập cuối cùng sau thuế của cá nhân/gia đình. Trong đó:

  • Khoản tiền 50% sẽ dành cho các chi phí sinh hoạt thiết yếu của bạn và gia đình như tiền thuê nhà, điện nước, thực phẩm, đi lại, nhu yếu phẩm…
  • Khoản tiền 20% dùng để tiết kiệm, đầu tư tích luỹ cho các mục tiêu tài chính dài hạn như mua nhà, hưu trí, tiền ăn học cho con…
  • Khoản tiền 30% dành để chi tiêu cho những nhu cầu về giải trí, sở thích như xem phim, du lịch, mua sắm điện thoại mới.

 

Để tránh việc chi tiêu nhập nhằng giữa 3 khoản tiền trên, hãy chắc rằng bạn để chúng ở những nơi khác nhau. Khoản tiền 20% nên được bỏ vào tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng của bạn hoặc đóng tiền bảo hiểm ngay khi bạn nhận được lương của tháng đó. Khoản tiền 50% và 30% nên được chia ra làm 2 tài khoản khác nhau với 2 thẻ ATM khác nhau để tránh việc các chi phí tiện nghi thâm lạm sang các chi phí thiết yếu cho cuộc sống.

Thanh toán vay mua nhà hàng tháng tối đa 28% thu nhập

Không phải ai trong chúng ta cũng may mắn có đủ tiền để mua nhà. Vì thế, một trong những giải pháp tài chính hiện nay được nhiều người sử dụng để có được chỗ ở là vay ngân hàng. Nếu bạn có cùng ý định, hãy nhớ rằng một tiêu chí quan trọng mà các ngân hàng áp dụng để đánh giá hồ sơ vay của bạn là tỷ lệ nợ trên thu nhập không vượt quá 28%, nghĩa là tiền trả nợ vay hàng tháng phải thấp hơn 28% thu nhập. Nếu không đạt được tỷ lệ này, nhiều nguy cơ bạn sẽ bị từ chối cho vay hoặc phải trả lãi suất cao hơn.

Để không gặp khó khăn trong việc đi vay, bạn nên cân nhắc lựa chọn nhà có mức giá phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng nên tích luỹ một khoản trả trước để không phải vay quá nhiều và có nguy cơ không trả được nợ.

Số tiền bảo hiểm nhân thọ tối thiểu 10 lần thu nhập năm

Bảo hiểm nhân thọ là một trong những biện pháp thiết yếu giúp bảo vệ tài chính cho gia đình bạn trong trường hợp trụ cột là bạn gặp rủi ro trong cuộc sống, không thể tiếp tục tạo ra thu nhập.

Vậy chi bao nhiêu tiền cho bảo hiểm nhân thọ là phù hợp? Một trong những cơ sở quan trọng để bạn xác định mức phí bảo hiểm cho mình và gia đình là số tiền bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm chính là số tiền sẽ được các doanh nghiệp chi trả trong trường hợp người được bảo hiểm gặp những rủi ro như trong hợp đồng quy định. Theo nhiều chuyên gia, số tiền bảo hiểm này cần ở tối thiểu bằng 10 lần thu nhập năm của gia đình bạn. Ví dụ, nếu thu nhập hàng tháng hiện tại của gia đình là 20 triệu đồng, thì thu nhập năm của gia đình sẽ ở mức 240 triệu đồng. Từ đó, bạn nên duy trì hợp đồng bảo hiểm của mình với số tiền bảo hiểm từ 2,4 tỷ đồng trở lên.

Số tiền bảo hiểm này cũng có thể thay đổi tuỳ theo tình trạng tài chính hiện tại của bạn (nợ phải trả hay tài sản hiện có) và mục tiêu tài chính của bạn trong tương lai (cho con đi du học, đầu tư bất động sản, kế hoạch hưu trí…). Hãy tham khảo công cụ phân tích nhu cầu bảo hiểm tại đây để có thể tính được số tiền bảo hiểm phù hợp với bạn.

Một điều cần lưu ý là bảo hiểm nhân thọ là một sản phẩm rất “cá nhân”, và mức phí bảo hiểm của bạn sẽ không phải là một con số xác định. Ngoài số tiền bảo hiểm mong muốn thì mức phí bảo hiểm sẽ còn thay đổi tuỳ độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khoẻ của bản thân… Bạn nên đến các văn phòng bảo hiểm nhân thọ hoặc liên hệ nhân viên tư vấn để có thể được tư vấn kỹ hơn về hợp đồng bảo hiểm của mình.

Tỷ lệ tiết kiệm hưu trí chiếm 15% thu nhập

Về hưu là một cột mốc khá xa xôi đối với đa số chúng ta nên việc ước lượng nhu cầu tài chính sau khi về hưu để có thể chuẩn bị chu đáo là một việc gần như không thể.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của Trung Tâm Nghiên Cứu Hưu Trí thuộc Đại Học Boston cho thấy tuỳ theo mức thu nhập, bạn sẽ cần 67-80% thu nhập hiện tại để có thể sống thoải mái khi nghỉ hưu.

Trong đó, những người có thu nhập trung bình sẽ cần khoảng 71% và để đạt được mức này, bạn sẽ phải tiết kiệm 15% thu nhập hàng năm, bắt đầu ở độ tuổi 25 và kết thúc ở độ tuổi 60. Khoản dành dụm này có thể tăng giảm tuỳ theo độ tuổi bạn bắt đầu tiết kiệm. Ví dụ, nếu khởi động kế hoạch tiết kiệm ở độ tuổi 40, bạn sẽ phải cần dành riêng một khoản tương đương 30% thu nhập hàng năm cho quỹ hưu trí.

Dù đã được chứng minh hiệu quả bởi các chuyên gia và nghiên cứu khoa học, nhưng những quy tắc kinh nghiệm trên đây không phải là bất di bất dịch. Tuỳ theo hoàn cảnh và nhu cầu bản thân, bạn có thể điều chỉnh chúng cho phù hợp. Chúc bạn có được kế hoạch quản lý tài chính cá nhân luôn hiệu quả và sáng suốt nhé!

>>> Xem thêm: