Cách tiết kiệm tiền 'bỏ ống heo' công nghệ cao
Blog Nhịp Sống Khỏe

Cách tiết kiệm tiền 'bỏ ống heo' công nghệ cao

‘Nuôi heo’ là một thói quen nhỏ góp phần làm nên thành công tài chính lớn. Nhưng bạn có biết, có cách nuôi heo công nghệ cao để bạn tối ưu giá trị tiềm năng của đồng tiền? Cùng Prudential tìm hiểu cách tiết kiệm ‘ống heo’ công nghệ cao nhé.   

"Ống heo" công nghệ cao là gì?

Ống heo công nghệ cao chính là các tài khoản tiết kiệm điện tử trên các ứng dụng của ngân hàng. Nhờ sự tiện lợi, thao tác đơn giản, và tính bảo mật cao mà các ‘ống heo’ công nghệ cao dần dần trở thành một kênh tiết kiệm được khá nhiều người tin dùng. Nhất là đối với các bạn trẻ, việc tạo các tài khoản tiết kiệm điện tử đã trở thành phổ biến như việc nuôi con heo đất.

Lợi thế của tài khoản tiết kiệm tích lũy so với cách bỏ ống heo truyền thống

Loại hình tiết kiệm tích lũy đã không còn mới mẻ. Tuy nhiên, khác với tiết kiệm truyền thống là tạo từng sổ tiết kiệm riêng biệt cho từng khoản tích luỹ thì bạn tích góp vào một tài khoản duy nhất. Nếu bạn không rút tiền ra, thì khi đáo hạn, bạn vẫn nhận được lãi suất đầy đủ. Còn nếu bạn rút tiền ra (giống với việc đập ống heo), thì bạn sẽ hưởng lãi suất trên số tiền còn lại trong tài khoản.

Hưởng lãi suất trên tiền tiết kiệm, tiền đẻ ra tiền

Bạn bỏ ống heo bao nhiêu thì khi đập heo cũng chỉ được bấy nhiêu tiền. Thay vào đó, khi bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm tích lũy, bạn sẽ được hưởng thêm lãi suất trên số tiền tiết kiệm, tức là tiền đẻ ra tiền.  

Bảo mật, giảm rủi ro mất cắp

Con heo đất là một món đồ có giá trị trong nhà, nên ‘người nuôi heo’ thường phải tìm chỗ cất heo cho cẩn thận, đề phòng mất cắp. Và chỉ khi đập heo thì mới biết là mình có bao nhiêu tiền.

Tài khoản tiết kiệm được ứng dụng công nghệ cao của ngân hàng vận hành, được bảo vệ bởi nhiều tầng lớp bảo mật như mã OTP, mật khẩu, vân tay, FaceID, v…v… Ngoài ra, bạn còn có thể chụp màn hình hoặc yêu cầu in sao kê tài khoản để chứng minh số tiền tiết kiệm, biết rõ mình có bao nhiêu tiền trong tài khoản.

Theo dõi số tiền tích lũy tiện lợi

Số tiền tiết kiệm của bạn luôn được ứng dụng cập nhật tức thời và hiển thị rõ ràng, giúp bạn nắm rõ ‘thành quả’ tiết kiệm của mình.

Lãi suất tiết kiệm điện tử chỉ được trả khi đáo hạn, vì thế, bạn sẽ có thêm động lực tiết kiệm, có kỷ luật trong việc chi tiêu, không rút tiền quá sớm, để được hưởng lãi suất cao nhất.

Nhiều ứng dụng ngân hàng còn có chức năng tiết kiệm tự động: bạn được cài đặt số tiền tiết kiệm định kỳ (mỗi tuần, tháng) và số tiền đó sẽ được tự động trích ra và chuyển vào tài khoản tiết kiệm tích lũy cho bạn. Chức năng này rất phù hợp cho những ai hay quên bỏ tiết kiệm.

Qua một khoảng thời gian, bạn vào xem tài khoản tiết kiệm thì lại thấy có thêm tiền dù mình không làm gì cả. Cái cảm giác có được một quỹ tiết kiệm cá nhân rất đáng tự hào, có thể còn hơn cả lúc đập heo đếm tiền.   

Xây dựng thói quen tiết kiệm tiền 'bỏ ống heo' để tích tiểu thành đại

Kiên trì với mục tiêu tiết kiệm

Mục tiêu tiết kiệm tiền bỏ ống heo thường là từ một hai ngàn đến hai mươi ngàn mỗi ngày, tùy khả năng tài chính. Ngày qua ngày, cuộc sống bận bịu có thể làm bạn quên mất việc tiết kiệm, hoặc có nhiều nhu cầu khiến bạn vung tay quá trớn.

Vì thế, việc đặt mục tiêu ban đầu rất quan trọng để rèn tính kỷ luật trong chi tiêu hàng ngày. Vì sao bạn tiết kiệm? Hãy tự hỏi bản thân những lúc nản chí nhé.

 

Tiết kiệm các chi tiêu nhỏ nhặt không thiết yếu

Các chi tiêu không thiết yếu tùy thuộc vào cách sống của mỗi người. Quan trọng nhất là chúng ta cần hiểu rõ nhu cầu cá nhân và đừng để bị ảnh hưởng bởi cảm xúc hoặc áp lực xung quanh.

Ví dụ, khi bạn bè hay đồng nghiệp đi ăn sang, uống xịn, nếu thấy không phù hợp, thì bạn có thể cần cân nhắc tìm cách từ chối khéo hoặc chỉ tham gia vừa phải, để có thể kiên định với mục tiêu tiết kiệm đã đặt ra.

Tính toán trước khi mua những món đồ có giá trị

Những món đồ có giá trị thường làm cho bài toán cân bằng chi tiêu mất cân bằng. Bạn nên cân nhắc kỹ trước khi mua, với những câu hỏi sau:

  • Lợi ích mà nó đem lại có đáng tiền hay không?

  • Có cách khác hoặc món đồ khác rẻ hơn có thể thay thế nó hay không?

  • Bạn có cần sử dụng nó liên tục trong vòng 30 ngày tới (hoặc hơn)?

Đây là một trong những bí kíp tiết kiệm tiền Kakeibo của người Nhật.

Nên nhớ là mua đồ mắc hay đáng tiền và phục vụ đúng nhu cầu sẽ tốt hơn là mua đồ rẻ tiền nhưng giá trị thấp, không bền.

 

Tiết kiệm tiền bỏ ống heo là một thói quen rất tốt, và nhờ phát triển công nghệ cao hiện nay, thay vì nuôi con heo đất, bạn có thể xây dựng quỹ tiết kiệm, dễ dàng tạo ra một khoản thu nhập thụ động nhé.