Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Điều kỳ diệu từ 5 phút thư giãn

Tâm trạng vui vẻ giúp chúng ta tập trung tinh thần làm việc tốt nhất. Thế nhưng không phải lúc nào trạng thái này cũng được duy trì, nhất là sau những kì nghỉ dài, khi công việc chất chồng mà tâm trí thì vẫn đang “lâng lâng” nhớ về những ngày nghỉ ngơi thoải mái. Với những gợi ý sau đây, bạn sẽ tái tạo được năng lượng và tâm trạng tích cực để “khởi động lại” chế độ làm việc hiệu quả chỉ trong vòng 5 phút đấy.

Điều kỳ diệu của nụ cười

Bạn có thắc mắc: tại sao vui thì chúng ta cười và cười khiến tâm trạng của chúng ta thoải mái hơn? Vì khi cười, cơ thể bạn sẽ tăng cường sản xuất hormone endorphin và serotonin - hai loại “hormone hạnh phúc” và giảm căng thẳng.

Cười giúp hệ tim mạch và hô hấp của bạn khỏe mạnh hơn. Các nghiên cứu đã cho thấy, việc hít thở liên tục khi cười khiến oxy được lưu chuyển toàn bộ cơ thể, làm sạch đường hô hấp, tăng cường tuần hoàn máu, cân bằng huyết áp, kích thích hoạt động của hệ miễn dịch để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Các nhà khoa học thậm chí còn cho rằng nên xếp việc cười ngang hàng với việc dùng vitamin tổng hợp và xà phòng diệt khuẩn.

Bạn còn có thể giảm cân nếu chăm chỉ… cười đấy! Khi cười, nhịp tim của bạn tăng lên từ 10 - 20%, năng lượng được đốt cháy nhiều hơn. Đọc đến đây thì bạn đã mỉm cười chưa?

>>> Đừng bỏ lỡ: Tại sao chúng ta nên "hào phóng" hơn với nụ cười?

Vậy làm thế nào để chúng ta tạo ra “điều kỳ diệu” trong 5 phút?

1. Hòa mình vào âm nhạc

Âm nhạc là liều thuốc chữa lành tâm trạng được nhiều người yêu chuộng. Chúng ta luôn mượn những giai điệu bài hát để biểu lộ cảm xúc của mình, và làm dịu lại tâm trạng mỗi khi mệt mỏi, căng thẳng. Hãy chọn cho mình danh sách bài hát yêu thích, với giai điệu vui tươi, lời hát tích cực để được thư giãn và tìm lại niềm vui. Đừng ngại hát theo hoặc thậm chí lắc lư theo giai điệu để hòa mình vào bài hát bạn nhé!

>>> Khám phá sức mạnh chữa lành từ âm nhạc TẠI ĐÂY

2. Đừng ngồi yên, hãy di chuyển

Ngồi làm việc liên tục trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể uể oải, tinh thần mệt mỏi, kém tập trung. Nếu bạn cảm thấy mình đang bức bối, khó chịu thì hãy đứng dậy, đi dạo xung quanh văn phòng, trò chuyện cùng đồng nghiệp hoặc đi bộ nhẹ nhàng xung quanh công ty để giải phóng năng lượng và tránh đau nhức. Đừng quên để lại những áp lực, căng thẳng ở lại văn phòng trong khi đi dạo, hoặc bạn có thể kết hợp vừa đi bộ vừa nghe nhạc để tâm trạng và cơ thể được thư giãn cùng lúc. Như vậy, khi trở lại công việc, bạn sẽ thấy thoải mái và tập trung hơn đấy.

3. Ăn ngọt một chút cũng không sao

Ai cũng biết bánh kẹo, sô cô la (chocolate) có hại… cho vòng hai nhưng lại thân thiện với tâm trạng. Thế nên dù bạn đang ăn kiêng cũng đừng ngại ăn vài miếng bánh ngọt nhỏ, hoặc một thanh sô cô la để tạm biệt trạng thái buồn chán nhé!

Tuy nhiên, hãy chú ý kiểm soát tâm trạng và lượng đồ ngọt dung nạp, tránh trường hợp càng buồn chán càng ăn ngọt gây ảnh hưởng hệ tiêu hóa và thậm chí là tăng cân.

>>> Có thể bạn quan tâm: 10 bí quyết giúp bạn ăn thoải mái mà không lo tăng cân

4. Dọn dẹp bàn làm việc

Bàn làm việc bừa bộn cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn thêm mệt mỏi. Giữ cho góc làm việc luôn ngăn nắp, sạch sẽ thì công việc sẽ không gián đoạn vì phải tìm tập hồ sơ quan trọng. Hoặc nếu bàn làm việc của bạn đã sạch sẽ rồi thì vẫn có thể dành 5 phút để sắp xếp, trang trí theo cách mới để có thêm cảm hứng làm việc. Hãy tham khảo những bí kíp sắp xếp bàn làm việc của “phù thủy dọn nhà” Marie Kondo trong bài viết này nhé.

5. Khám phá những điều mới mẻ

Bạn có thể “cắt đứt” cơn đắm chìm trong cảm giác “không muốn làm gì - không thể làm gì” bằng cách tìm hiểu thông tin mới mẻ. Hãy thử dành 5 phút tra cứu kiến thức trên Google hoặc xem video sáng tạo trên YouTube. Việc biết được thêm những điều thú vị sẽ giúp bạn mở rộng tư duy, củng cố nền tảng và có thêm những nguồn cảm hứng mới cho công việc.

6. Trò chuyện với bạn bè

Chủ động chia sẻ là một trong những cách tốt nhất để bạn cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. Những lúc cô đơn hay gặp phải áp lực, việc chịu đựng một mình chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn mà thôi. Thay vào đó, hãy gọi điện, nhắn tin hoặc lên lịch hẹn hò với bạn bè. Không nhất thiết bạn phải kể hết vấn đề của mình với họ, chỉ cần mở lòng, nói chuyện và tươi cười, bạn sẽ thấy tâm trạng của mình tốt lên rất nhiều.

7. Lên kế hoạch cho kỳ nghỉ sắp tới

Nếu bạn đã nỗ lực hết sức cho công việc, hãy bắt đầu nghĩ về một kỳ nghỉ, dù chỉ là kỳ nghỉ ngắn ở ngay ngoại ô. Việc lên kế hoạch cho những chuyến đi luôn khiến chúng ta phấn chấn và có động lực làm việc hơn. Thế nên bạn cứ dành vài phút để viết ra giấy những dự định rõ ràng như bạn sẽ đi đâu, làm gì, với ai vào cuối tuần để mọi thứ trở nên cụ thể cũng như có khả năng thực thi hơn.

8. Ngắm nhìn những điều dễ thương

Không phải ngẫu nhiên mà video về chó mèo hoặc em bé luôn đạt hàng triệu view đâu. Để ý mà xem, có phải bạn luôn bất giác mỉm cười khi ngắm nhìn những điều dễ thương ấy, vì khi đó bộ não sẽ “thưởng” cho chúng ta một lượng kha khá hormone dopamine - một trong các hormone hạnh phúc. Thư giãn đâu có khó như chúng ta vẫn nghĩ nhỉ?

9. Tập luyện thói quen mới: tập cười

Khi tâm trạng buồn chán, hãy tự mỉm cười hoặc cười thật tươi với ai đó đang ở gần mình. Điều này không chỉ mang lại niềm vui cho người đối diện mà bạn còn vừa thực hiện hành động “đánh lừa” bộ não khi kích hoạt các cơ thường sử dụng khi cười, não sẽ ngầm hiểu rằng đây là tín hiệu quen thuộc khi tâm trạng vui vẻ và sẽ sản sinh ra các hormone vui vẻ đấy!

Nếu như các tiếp viên hàng không tập cười bằng cách ngậm đũa hoặc bút 15 đến 20 phút mỗi ngày thì bạn có thể làm những cách đơn giản hơn như nhìn vào gương và mỉm cười với chính mình, suy nghĩ về những kỷ niệm vui vẻ hoặc quan sát những người hay cười.

Một gợi ý dễ thương khác đó là bạn hãy vẽ một hình mặt cười nhỏ ngay tại vị trí dễ thấy nhất như màn hình laptop, sổ hoặc trên bàn tay bạn, những lúc căng thẳng cứ nhìn vào nó và nở một nụ cười nhé!

>>> Xem thêm: