Vì sao Gen Z quan tâm đến đầu tư từ rất sớm?
Blog Nhịp Sống Khỏe

Vì sao Gen Z quan tâm đến đầu tư từ rất sớm?

Khác với thế hệ 7x – 8x, thay vì tích lũy tài sản, Gen Z đang nổi lên như những nhà đầu tư tiềm năng với quan điểm “tiền đẻ ra tiền”. Họ không ngừng tìm kiếm cơ hội gia tăng thu nhập để sớm đạt được cột mốc tự do tài chính trong tương lai.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), nhóm lao động trẻ từ 15 - 24 tuổi là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng việc làm năm 2020 tại Mỹ. Báo cáo của Bank of America Research thì chỉ ra rằng tình hình tài chính và sự nghiệp của Gen Z sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch tương tự thế hệ Y từng chịu ảnh hưởng của cuộc Đại suy thoái vào cuối thập niên 2000. Dưới ảnh hưởng của thời cuộc cũng như học hỏi từ các thế hệ trước, Gen Z có suy nghĩ về tiền bạc và các mục tiêu tài chính chủ động hơn so với cha anh.[1]

“Bùng nổ” cùng công nghệ

Gen Z là một thế hệ hiểu biết về công nghệ một cách tự nhiên bởi vì họ được sinh ra và lớn lên ngay trong thời đại số. Đi đôi với sự bùng nổ của công nghệ chính là sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác. Hầu hết các kiến thức về kinh tế, tài chính tưởng chừng như phải tìm kiếm thông qua sách vở hoặc chuyên gia thì nay lại xuất hiện đầy đủ trên các trang mạng xã hội. Chính điều này đã biến Gen Z thành một thế hệ có hiểu biết và nhận thức cụ thể về tài chính sớm hơn hẳn các thế hệ trước.

Ngày càng có nhiều “tấm gương” Gen Z nổi lên nhờ tài năng, trở thành KOL hoặc influencer với bảng thành tích đầu tư cực khủng, khiến nhiều người phải thán phục. Xã hội đang nhìn nhận Gen Z như một thế hệ tiên phong, một thế hệ đang bùng nổ cùng công nghệ để bước đi rất nhanh trên hành trình kiến tạo xã hội hiện đại.

Xuất hiện ý định tự chủ tài chính sớm hơn

Bất cứ thế hệ nào cũng tồn tại những băn khoăn khi bước sang độ tuổi trưởng thành. Gen Z không ngoại lệ, thậm chí còn mang trên mình nhiều áp lực trước sự thay đổi chóng mặt của xã hội hiện đại.

Trước những áp lực đó, Gen Z lại biết cách tận dụng ưu thế của xã hội hiện đại để học hỏi những kiến thức, công cụ về tài chính cá nhân, quản lý tiêu dùng, đầu tư thông minh để vượt qua. Gen Z sớm phát triển các tư duy hiện đại về tài chính. Điều này khiến cho Gen Z hình thành tư tưởng kiếm tiền và đầu tư từ rất sớm.

Theo một khảo sát của SingSaver – một nền tảng nghiên cứu tài chính vào tháng 9/2020, có đến 85% Gen Z tham gia chia sẻ họ đã bắt đầu tiết kiệm và đầu tư tiền nhàn rỗi từ trước năm 22 tuổi. Trong khi đó, chỉ có 41% Gen Y làm được điều tương tự ở độ tuổi này.[2]

Họ cũng là nhóm người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để rút ra những bài học hữu ích, từ đó tích lũy kinh nghiệm cho những khoản đầu tư tiếp theo. Hơn thế nữa, Gen Z không chỉ đi một mình, mà còn đi cùng nhau. Ngày càng nhiều cộng đồng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đầu tư xuất hiện, góp phần tạo nên nền tảng để Gen Z thêm tự tin trong việc “xuống tiền”.

Đa dạng khẩu vị đầu tư

Xu hướng đầu tư của thế hệ Gen Z ngày càng đa dạng. Một bộ phận sẽ ưu tiên tìm kiếm phương thức đầu tư mang lại lợi nhuận ổn định, rủi ro thấp như gửi tiết kiệm online, mua bảo hiểm nhân thọ. Trong khi đó, với những ai có khẩu vị đầu tư mạo hiểm, họ sẵn sàng trải nghiệm những kênh đầu tư tài chính mới như cổ phiếu, trái phiếu, crypto, blockchain…

Lời khuyên tài chính dành riêng cho Gen Z

Gen Z có lợi thế rất lớn là có thể vừa học hỏi những sai lầm, hạn chế từ các thế hệ trước, vừa tận dụng các cơ hội mới của xã hội hiện đại trong mọi vấn đề. Vậy trong vấn đề quản lý tài chính cá nhân, Gen Z cần phải lưu ý những điều gì?

Kỷ luật sẽ tạo ra thay đổi tích cực

Gen Z thường có lối sống chi tiêu thoải mái hơn các thế hệ trước. Vì thế, cần phải có kỷ luật về tài chính để Gen Z có thể kiểm soát tốt các khác chi tiêu của mình. Gen Z có thể bắt đầu rèn luyện kỷ luật tài chính bằng cách lập ngân sách hàng tháng để cân đối hợp lý giữa thu nhập và chi tiêu. Sau đó sẽ nâng cấp thêm các hình thức tiết kiệm hoặc đầu tư. Dần dần, Gen Z sẽ quen với kỷ luật tài chính và trở nên vượt trội, ổn định về tiền bạc.

Dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp

Tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp là tình huống được nghe nhiều hơn ở các thế hệ trước so với Gen Z. Việc này thật sự rất quan trọng, dự phòng cho những tình huống xấu hoàn toàn có thể xảy ra bất ngờ như mất việc làm, bị bệnh nặng, bị tai nạn xe cộ...

Gen Z nên hiểu rằng đây chỉ là một khoản tiết kiệm/ dự phòng riêng biệt chứ không phải là một hình thức đầu tư phức tạp nào cả. Sau khi đã thiết lập một khoản dự phòng đủ con số đặt ra như việc mua bảo hiểm, Gen Z có thể tự tin dành nguồn tiền cho các hình thức đầu tư khác mà không còn quá lo lắng về một tình huống xấu có thể xảy ra. 

Cân bằng thu nhập – chi tiêu – tiết kiệm

Một số Gen Z cho rằng việc cân đối các khoản thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm khá phức tạp, và cuộc sống sẽ không còn thoải mái nếu cứ mãi lo tính toán thu – chi. Tuy nhiên, việc cân đối này về bản chất lại giúp bạn lên kế hoạch cho tương lai của chính mình.

Có rất nhiều phương pháp để bạn cân đối dòng tiền, từ việc lập bảng ngân sách chi tiêu cá nhân cho đến sử dụng các ứng dụng quản lý tài chính. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể phân chia thu nhập thành các nhóm tiền với mục tiêu rõ ràng như chi phí sinh hoạt, tiết kiệm, đầu tư… để có thể chủ động hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Thiết lập các mục tiêu tài chính cá nhân

30 tuổi mua nhà, 25 tuổi mua xe, đó là những mục tiêu không còn xa lạ hay viễn vông với thế hệ Gen Z hiện tại. Thậm chí nhiều bạn trẻ đã hoàn thành các mục tiêu cá nhân này từ sớm. Việc đặt ra các mục tiêu từ sớm sẽ giúp cho Gen Z lựa chọn phương pháp và lộ trình phù hợp để đạt được các mục tiêu đó.

Mua nhà, mua xe, trả nợ cho phụ huynh, có tài khoản tiết kiệm với số tiền lớn, hoặc thành lập công ty để khởi nghiệp là những mục tiêu nổi bật nhất mà Gen Z đang hướng tới. Với tư duy tài chính hết sức hiện đại, khác biệt cùng với rất nhiều giải pháp và thông tin hỗ trợ, Gen Z đang nắm trong tay rất nhiều cơ hội để chinh phục bất kỳ mục tiêu nào mà họ đã đặt ra.

[1] https://tuoitre.vn/nguoi-tre-va-tien-20220330095340789.htm

[2] https://vnexpress.net/gioi-tre-gia-nhap-duong-dua-chung-khoan-4397650.html