Phương pháp giáo dục mới đi ngược truyền thống
Blog Nhịp Sống Khỏe

Khám phá 5 phương pháp giáo dục đi ngược truyền thống

Soạn bài trước, nghe giảng, ghi chép, làm bài tập về nhà, đi học bồi dưỡng… mô hình học tập quen thuộc tại Việt Nam thường nhận được nhiều sự “than phiền” về áp lực và khối lượng bài vở từ cả học sinh lẫn phụ huynh.

Câu hỏi đặt ra là có nhất thiết phải dạy và học như thế mới hiệu quả hay không? Liệu có tồn tại những phương pháp giáo dục khác thoải mái hơn nhưng vẫn giúp trẻ phát triển toàn diện? 

Hãy cùng Prudential tìm hiểu những cách giáo dục “đi ngược truyền thống” trên thế giới đã được thực nghiệm thành công và áp dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Hy vọng bạn sẽ có thêm những gợi ý để giúp con mình cân bằng áp lực từ phương pháp học tập truyền thống.

MONTESSORI – Lớp học của sự tự do

Bác sĩ Maria Montessori, vị nữ bác sĩ đầu tiên của nước Ý, đã phát triển mô hình giáo dục mang tên mình vào năm 1907.
Montessori phủ nhận quan điểm xem trẻ con như tờ giấy trắng và cho rằng phương pháp dạy học truyền thống đang giới hạn sự phát triển của trẻ bởi những giáo trình rập khuôn và phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên. Thay vào đó, bà tin rằng mỗi đứa trẻ được sinh ra đều có bản năng tiếp thu riêng và có khả năng tự định hướng học tập cho mình. Từ đó, bà đã tạo ra một môi trường học tập tự do, nơi mỗi học sinh được quyền tự chọn thời khóa biểu và phương pháp tự học cho riêng mình, trong khi giáo viên chỉ đóng vai trò quan sát. 

Tương tác trực quan được xem là yếu tố cốt lõi trong lớp học kiểu Montessori, khuyến khích trẻ cầm nắm và cảm nhận những “món đồ chơi học tập” như Xếp tháp, Xếp cầu thang, đồ chơi Bảng chữ cái, trước khi bắt đầu học viết. Lớp học dành cho nhóm trẻ khoảng 3 tuổi, không phân chia cấp học, không kiểm tra hoặc bất kỳ loại bài tập nào để tránh môi trường học tập cạnh tranh. 

Lớp học của sự tự do Montessori

Những bài học xếp tháp, nhận diện hình khối, bảng chữ cái nổi … của phương pháp đã được ứng dụng thành những món đồ chơi tại nhà hoặc trường học. 

Năm 2006, một nghiên cứu đã so sánh chất lượng học sinh trường áp dụng phương pháp Montessori và không áp dụng, cho thấy trẻ được học phương pháp giáo dục Montessori có khả năng tương tác xã hội và kỹ năng học tập tốt hơn. 

Hai trong những nhân chứng cho hiệu quả của phương pháp học này chính là hai nhà sáng lập nổi tiếng của Google - Sergey Brin và Lawrence Page

STEINER – Lớp học của thể chất – tâm hồn – trí tuệ

Lấy cảm hứng từ các kiến thức Nhân loại học, triết gia và nhà khoa học người Áo Rudolf Steiner đã phát triển mô hình giáo dục dựa trên giả thuyết rằng con người đạt đến sự thông thái khi tự mình khám phá những bí ẩn sâu trong tâm trí. Phương pháp giáo dục của ông tập trung vào sự phát triển đa diện - gồm thể chất, tâm hồn và trí tuệ - để giúp trẻ phát triển toàn diện. 

Phương pháp này chia quá trình học tập của con người thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 7 năm:

Từ 1-7 tuổi: Steiner tin rằng 7 năm đầu đời dành cho việc phát triển những kỹ năng như bắt chước và hoàn thiện các giác quan. Vì thế, trường mẫu giáo Waldorf được khuyến khích vui chơi và tương tác với môi trường xung quanh, thay vì bị “nhồi nhét” kiến thức theo cách truyền thống. Steiner tin rằng trẻ con nên tập viết trước khi tập đọc và sẽ không được dạy kỹ năng đọc trước năm 7 tuổi.

Từ 8-14 tuổi: Trẻ con được tập trung phát triển khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng. Cũng trong giai đoạn này, học sinh ở trường Waldorf được học ngoại ngữ, eurythmy - nghệ thuật múa giúp chữa lành cảm xúc được phát minh bởi Steiner. Đến năm 14 tuổi, trẻ bắt đầu được học cách cân bằng cảm xúc, nhận diện thẩm mỹ, học cách tiếp xúc với môi trường bên ngoài và đón nhận trách nhiệm xã hội

Lớp học của thể chất – tâm hồn – trí tuệ Steiner

Giờ học múa eurythymy của phương pháp Steiner

15-21 tuổi: Học sinh được học cách tư duy biện luận và nhìn nhận thế giới xung quanh, cũng như phát triển những tố chất thiên bẩm vào mục đích có ích cho xã hội. 

Phương pháp giáo dục Steiner vẫn đang được áp dụng trên toàn thế giới trong suốt gần 100 năm qua. Bạn có thể tìm hiểu thêm về phương pháp giáo dục Steiner và các cơ sở giảng dạy phương pháp này ở Việt nam.

HARKNESS – Lớp học bàn tròn

Đây là phương thức học tập đổi mới đến từ đại gia dầu mỏ Edward Harkness. Phương pháp giáo dục này không phát triển dựa trên một chương trình hay một học thuyết cụ thể, mà tập trung vào cách sắp xếp lớp học để tạo môi trường tương tác hiệu quả. 

Đặc điểm chính của phương pháp này là chiếc bàn tròn lớn được đặt ngay giữa lớp học. Học sinh và giáo viên sẽ ngồi xung quanh chiếc bàn và thảo luận phân tích cùng nhau về bất kỳ đề tài nào, từ toán học cho đến lịch sử. Phương pháp học này thoát ly khỏi phương pháp “bảng đen phấn trắng” nhàm chán.

Lớp học bàn tròn Harkness

Lớp học hình tròn theo phương pháp Harkness 

Tại bàn tròn, mọi ý kiến cá nhân đều được tiếp nhận, bày tỏ, phản biện và điều chỉnh. Trong cuộc thảo luận đó, giáo viên đóng vai trò là người điều hướng thảo luận thay vì là người truyền tải kiến thức một chiều. Và vì mỗi học sinh đều có cách tư duy phản biện của riêng mình, những chi tiết của buổi bàn luận luôn khác nhau, đòi hỏi người giáo viên luôn phải cập nhật những kiến thức mới và tránh việc lặp đi lặp lại một giáo trình. 

Cách sắp xếp thân mật theo “bàn tròn Harkness” còn khiến học sinh có trách nhiệm hơn với việc học của mình, cũng như khuyến khích chúng bày tỏ quan điểm cá nhân. Hơn thế, học thông qua bàn luận về một vấn đề nào đó, người học có thêm được kỹ năng nói trước đám đông và biết cách tôn trọng quan điểm của người khác. 

Theo lời hiệu trưởng Dr.Lewis của trường tư thục Phillips Exeter (New Hampshire) chia sẻ với New York Times: “Một học sinh bình thường cũng cảm giác được quan tâm khi được học theo chương trình này. Nói đúng hơn, phương pháp Harkness xây dựng thái độ học tập mới, nhằm theo dõi sâu sát đến tư duy học tập của từng học sinh.” Phương pháp này đã nhanh chóng đạt được hiệu quả khi giảm được 6% số học sinh ở lại lớp trong 3 năm đầu tiên áp dụng chương trình Harkness. 

REGGIO EMILIA – Lớp học bình đẳng

Phương pháp Reggio Emilia được thiết kế dành riêng cho việc giáo dục trẻ ở lứa tuổi 3 – 6. Triết lý giáo dục của ông dựa trên niềm tin rằng trẻ em là những cá thể tài năng, thích khám phá và luôn tự tin để chinh phụ thử thách. Vì thế, chúng hoàn toàn có thể phát triển trong môi trường tự học, nơi sự tôn trọng được thể hiện ở cả thầy và trò.

Phương pháp Reggio Emilia chú trọng việc thiết kế lớp học mang cảm giác như ở nhà, kèm theo chương trình học linh động và ưu tiên việc phát triển dựa trên tố chất của trẻ. Ngoài ra, phương pháp này còn đề cao việc cùng trẻ khám phá thế giới, thay vì cung cấp “ngay và luôn” những câu trả lời cho trẻ. Từ đó, trẻ được phát triển đúng với tiềm năng của mình, về mặt trí tuệ lẫn khả năng sáng tạo. 


Lớp học bình đẳng Reggio Emilia

Với phương pháp Reggio Emilia, giáo viên là người quan sát và đồng hành cùng bé thực hiện các dự án sáng tạo. 

Các dụng cụ mỹ thuật dường như không bao giờ thiếu bóng trong lớp học Reggio Emilia bởi chúng là yếu tố thúc đẩy khả năng sáng tạo ở trẻ. Không chỉ vậy, các giáo viên của Reggio cũng được yêu cầu có năng khiếu về nghệ thuật để hỗ trợ trẻ trong các “dự án cá nhân” của mình. Hơn thế, mỗi giáo viên cần có bảng ghi chép quá trình phát triển của từng đứa trẻ, bao gồm cả bộ sưu tập các tác phẩm của trẻ và những ghi chép về câu chuyện đằng sau mỗi tác phẩm ấy. 

Vào năm 1991, tạp chí Newsweek đã công bố trường mẫu giáo Diana ở Reggio Emilia, nơi áp dụng phương pháp giáo dục mới lạ này, là một trong những trường mẫu giáo tốt nhất thế giới. 

SUDBURY – Trường học dân chủ đầu tiên trên thế giới

Phương pháp Sudbury áp dụng quan điểm tôn trọng quyền cá nhân và tính dân chủ vào mô hình giáo dục. Tại đây, học sinh có toàn quyền chọn môn học và cách học, cũng như toàn quyền chọn cách được đánh giá học lực. Vào buổi họp toàn trường mỗi tuần, học sinh sẽ bỏ phiếu để quyết định các quy định kỷ luật, các chi tiêu từ quỹ, cả việc chọn và sa thải nhân viên của nhà trường. Mọi học sinh, giáo viên và công nhân viên của trường đều có quyền biểu quyết bình đẳng. 

Trường học dân chủ đầu tiên trên thế giới Sudbury

Biểu quyết dân chủ để tham gia quyết định các hoạt động của trường chính là phương pháp giáo dục theo mô hình Sudbury.

Triết lý hoạt động của Sudbury tin rằng học sinh có khả năng tự ra quyết định, và chịu trách nhiệm với chính những quyết định của mình. Mô hình trường học “dân chủ” không phân học sinh theo cấp học. Các học sinh được học trong môi trường hợp tác, nơi các học sinh lớn hơn có thể chỉ dẫn cho đàn em của mình trong suốt quá trình học. 

>>> Xem thêm: