Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Đồng hành cùng con chống nạn bắt nạt học đường

Nội dung bài viết

Bắt nạt học đường đang là một trong những vấn đề giáo dục nhức nhối hiện nay. Tưởng chừng chỉ là câu chuyện của trẻ con, ấy vậy mà bắt nạt học đường lại gây hậu quả không dễ khắc phục đối với sức khỏe thể chất cũng như tâm lý cho trẻ trong những ngày cắp sách cho đến những năm tháng trưởng thành. Để tìm giải pháp phù hợp cho vấn đề nhức nhối này, hãy tham khảo quy trình hành động 4 bước Hiểu - Nghe - Dạy - Can thiệp bên dưới đây.

Hiểu

Trêu chọc, bắt nạt học đường có thể là một vấn đề tưởng chừng như nhỏ bé trong mắt nhiều người lớn nhưng lại là câu chuyện vô cùng nghiêm trọng với con trẻ. Vì thế sự thấu hiểu và trợ giúp của cha mẹ sẽ giúp con dũng cảm đương đầu hơn. Đừng để con cô đơn vì phải xử lý việc bị bắt nạt học đường một mình.

Đối với những đứa trẻ bắt nạt người khác, thay vì vội vàng chỉ trích lên án, hãy thông cảm vì chính những kẻ bắt nạt là nạn nhân của việc nhận thức chưa đúng đắn. Phương pháp “hai quả táo” là một cách hay để bạn và con có cái nhìn đúng hơn về nạn bắt nạt học đường, từ đó lên kế hoạch chống lại nó trong tương lai nếu có.

Lắng nghe

Cha mẹ là người bạn đầu tiên của con cái. Do đó ngay khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu ít nói, cư xử khác lạ, hãy cởi mở trò chuyện cùng con như một người bạn đồng trang lứa để lý giải nguyên nhân. Bạn không thể tìm kiếm câu trả lời từ con nếu chỉ gặng hỏi hay quát nạt, trái lại việc này còn gây phản tác dụng khiến con sợ hãi, thu mình hơn. Hãy thông cảm và kiên nhẫn với sự yếu đuối trong con vì không ai muốn mình trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường. Làm quen với một vài người bạn cũng con cũng là một gợi ý khác để bạn hiểu tâm lý của con hơn và nắm được thông tin nhanh nhất khi con bị bắt nạt.

Dạy

Ngay từ khi còn bé, trẻ cần nhận thức không được sử dụng bạo lực với người khác hoặc để người khác sử dụng bạo lực với mình. Muốn vậy, cha mẹ, ông bà hay những người thân trong gia đình cần làm gương bằng cách đối xử với con một cách tôn trọng, hạn chế chê trách, mắng chửi và không sử dụng đòn roi để răn dạy. Cha mẹ cũng cần dạy con cách tôn trọng người khác, cũng như dũng cảm bày tỏ ý kiến, bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Trên thực tế, dù muốn bảo vệ con đến mấy, bạn cũng không thể cùng con 24/7 trong mọi hoạt động thường ngày. Bởi vậy, trẻ cần được bồi đắp những kỹ năng xã hội cần thiết để tự tin hòa nhập và xử lý các vấn đề tốt hơn. Thường xuyên cho con ra ngoài và giao tiếp với mọi người là cách hữu ích để con học cách xây dựng mối quan hệ ở môi trường mới.

>>> Có thể bạn quan tâm: 12 kỹ năng cần thiết mà cha mẹ nên dạy con từ sớm

Chủ đề nhạy cảm như bắt nạt học đường có thể được đơn giản hóa qua những câu hỏi hay tình huống giả định. Bằng những tâm sự gần gũi, bạn có thể lồng ghép thông điệp và gợi ý cách giải quyết khi con bị bắt nạt hay chứng kiến người khác trở thành nạn nhân. Chẳng hạn, bạn có thể thảo luận cùng con lập danh sách những cụm từ ngắn gọn và mạnh mẽ để tỏ thái độ phản đối hay từ chối: "Tớ không muốn", "Để tớ được yên" hay "Tránh xa tớ ra". Và đừng quên giúp con hiểu rằng chẳng có gì đáng xấu hổ khi bị bắt nạt cả. Hãy tìm cách tránh xa người bắt nạt, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn vì giữ an toàn thì quan trọng hơn là xấu hổ hay giữ thể diện.

Ngoài ra, cha mẹ có thể đóng vai với con để chỉ con cách bảo vệ mình khi bị bắt nạt. Giúp con hiểu rằng kẻ bắt nạt muốn con có phản ứng như thể hiện cảm xúc giận dữ hay đánh lại… Những phản ứng này giúp kẻ bắt nạt cảm thấy thỏa mãn tâm lý vì có quyền lực với con. Hãy giải thích với con rằng, tuy con không thể kiểm soát hành vi của kẻ bắt nạt, nhưng con có thể kiểm soát phản ứng của mình, không đẩy tình huống lên mức độ căng thẳng hơn, bằng cách thoát ra khỏi tình huống đó, không tấn công hoặc xúc phạm lại kẻ bắt nạt. Để giữ bình tĩnh, con có thể đếm từ 1 đến 10, nhìn vào mắt kẻ bắt nạt và nói những câu như “Tớ đi trước đây. Tớ có việc khác cần làm”, “Bỏ tay ra khỏi người tớ” ... Luyện tập với con cho đến khi con có thể nói một cách cương quyết, bình tĩnh nhé.

Can thiệp

Khi nhận ra những dấu hiệu bắt nạt học đường đầu tiên đối với con, hãy can thiệp từ góc độ của những đứa trẻ trước. Thông qua thầy cô, bạn bè của con và chính con, ta có thể hiểu nguyên nhân đến từ kẻ bắt nạt hay từ chính nạn nhân (con của bạn). Hãy cùng con phân tích nguyên nhân, mức độ trầm trọng của vấn đề trước khi đưa ra phương án xử lý phù hợp. Con đã dũng cảm thể hiện nhu cầu của mình mà vẫn tôn trọng người khác qua những câu “Bỏ tay ra khỏi người tớ” “Không được làm đau tớ" hay "Tớ không thích cậu gọi tớ như vậy. Tớ muốn cậu gọi bằng tên tớ"… chưa? Con đã hạn chế các tình huống bắt nạt bằng cách tránh xa những nơi không được giám sát, như ngồi trên hàng đầu trên xe buýt, đứng trên hàng đầu, ngồi gần bàn có người lớn… chưa?

Nhưng nếu bạn nhận ra vấn đề bắt nạt học đường khi đã ở mức độ nghiêm trọng, bạn cần chủ động can thiệp kịp thời từ góc độ người lớn. Ở một số trường hợp đơn giản, bạn chỉ cần răn đe những đứa trẻ cùng lớp để chúng không tái diễn câu chuyện tương tự. Cô giáo chủ nhiệm cũng cần được thông báo để thực hiện sát sao hơn việc quản lý các thành viên trong lớp. Nếu có thể biết chính xác đứa trẻ bắt nạt con mình, bạn nên liên hệ với bố mẹ của chúng để xử lý tận gốc vấn đề. Bởi đôi khi, có thể ngay cả bố mẹ chúng cũng không biết con mình đã làm việc xấu ở trường. Nếu những người lớn có liên quan không xử lý dù đã được thông báo, hãy mạnh dạn xem xét việc chuyển trường vì sự an toàn của con trẻ là điều quan trọng nhất.

Cùng con chống lại nạn bắt nạt học đường là một hành trình không dễ dàng. Nhưng sau tất cả, đứa trẻ nào rồi cũng sẽ trưởng thành. Hãy giúp con hiểu rằng nạn bắt nạn học đường sẽ trở thành một phần của quá khứ. Con cần dũng cảm để mạnh mẽ chống lại nó ở hiện tại. Nhưng hãy đối diện với nó bằng sự tha thứ, thấu hiểu và không phán xét khi con trưởng thành ở tương lai.

>>> Xem thêm: