Các vấn đề sức khỏe tinh thần của nam giới
Blog Nhịp Sống Khỏe

Nam giới thường bỏ qua các vấn đề sức khỏe tinh thần là vì đâu?

Các khảo sát chỉ ra rằng nam giới cảm thấy thoải mái khi nói về sức khỏe thể chất hơn là sức khỏe tinh thần, cũng như họ ít sử dụng các dịch vụ sức khỏe dành cho tinh thần – tâm lý hơn phụ nữ. Dưới đây là ba trở ngại chính khiến phái mạnh ngại ngần lên tiếng về những vấn đề đang diễn ra trong đời sống tinh thần của họ.

Cảm giác thiếu một người lắng nghe và chia sẻ

Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng sự sẻ chia không phân biệt giới tính, dù là phái nào cũng sẽ dễ dàng tìm được sự thấu cảm và lắng nghe. Tuy nhiên, những nghiên cứu khoa học trong thời gian gần đây đã chỉ ra một thực tế khác hẳn: Nam giới thường có khuynh hướng bị ngó lơ khi họ chia sẻ về sức khỏe tinh thần của bản thân ví dụ như khi nói về việc rối loạn tinh thần và tâm lý hậu ly hôn, cảm giác khó chịu khi bị vợ xem thường, áp lực khi mang trọng trách trụ cột gia đình... Khi nói ra các vấn đề này, đàn ông thường bị một “bóng ma tâm lý” với câu hỏi: Liệu rằng mình có đang là người lắm chuyện, nhỏ nhen và làm quá vấn đề hay không?

Khác với phái nữ, đàn ông thường được cho rằng kiệm lời hơn và nên tập trung trong việc tìm kiếm giải pháp thay vì nói quá nhiều về vấn đề. Chính vì vậy, không dễ dàng cho họ trong việc bộc bạch và giãi bày cho những người thân xung quanh về các khúc mắc tâm lý và vấn đề tinh thần mà họ gặp phải. Những định kiến về “giới” cũng phần nào khiến họ né tránh trong việc chia sẻ các vấn đề về sức khỏe tinh thần của bản thân.

Lo sợ ảnh hưởng đến công việc

Với quan điểm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nam giới thường chịu nhiều áp lực xoay quanh việc làm trụ cột gia đình, đặc biệt phải gánh trên vai những gánh nặng về tài chính. Áp lực vô hình đó khiến họ nỗ lực làm việc vì mong muốn gầy dựng sự nghiệp từ sớm. Vì vậy, khi phải đưa ra lý do nghỉ phép như tinh thần không tốt, đàn ông cảm thấy khá ngại ngùng.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở góc nhìn của doanh nghiệp, không ít các công ty đánh đồng bệnh về tâm lý với việc giả bệnh hay đơn giản là sự lười biếng. Một số còn cho rằng đàn ông mắc phải bệnh tâm lý là một điều đáng ngại, nhất là trong những ngành nghề mà nam giới chiếm đa số như: công an – quân đội, giao thông vận tải, xây dựng, dầu khí...

Trong xã hội hiện nay, nỗi sợ của nam giới là chính đáng. Nhưng không phải ai cũng thấu hiểu được điều này, ngay cả với chính bản thân – những người phải đối mặt với vấn đề sức khỏe tinh thần nhưng không thể chia sẻ cùng ai. Vì vậy, họ thường sẽ đưa lên bàn cân những lợi ích và cái giá của việc tâm sự về tình trạng của bản thân. Đối với một số người, họ cảm thấy cái giá phải đánh đổi khi lên tiếng nói về những vấn đề cá nhân khá lớn, họ lo ngại rằng mình sẽ bị đánh giá khi có những vấn đề tâm lý hay sức khỏe tinh thần không ổn định.

Sự ảnh hưởng của suy nghĩ nam tính độc hại

Đặc biệt hơn hết, dưới sức ép của các chuẩn mực truyền thống về sự nam tính và tính nam độc hại (những tiêu chuẩn cực đoan về nam giới), đàn ông thường sẽ thu mình vào vỏ bọc và âm thầm chịu đựng những vấn đề về tâm lý mà bản thân họ đang mắc phải. Những tiêu chuẩn được đề ra như: đàn ông không được khóc, đàn ông phải mạnh mẽ, đàn ông hiển nhiên phải chịu trách nhiệm gánh vác gia đình, đàn ông phải là trụ cột về kinh tế... Những định kiến này khiến nam giới phải khép mình lại mỗi khi muốn giải tỏa các vấn đề về tâm lý mà họ gặp phải, vì sợ rằng mình thiếu đi sự nam tính, yếu đuối, không có bản lĩnh.

Dù là giới nào, việc bày tỏ cảm xúc cũng là nhu cầu thiết yếu!

Một trong những khó khăn mà đàn ông thường gặp phải chính là việc thấu hiểu và gọi tên cảm xúc của mình, đặc biệt trong việc sẻ chia với những người xung quanh về những gì họ đang suy nghĩ. Đôi khi, chỉ một việc đơn giản như “chỉ mặt đặt tên” các cảm xúc tiêu cực mà họ đang gặp phải và thẳng thắn bày tỏ vấn đề kịp thời sẽ giúp “quả bóng” cảm xúc của phái mạnh không bị thổi căng quá mức.

Về lâu dài, nếu sức khỏe tinh thần không thể tỏ bày thành lời, thì sức khỏe thể chất lại là nơi gánh chịu mọi hậu quả. Bởi lẽ, quy luật chuyển hóa năng lượng cho thấy rằng năng lượng chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, việc dồn nén cảm xúc sâu bên trong có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài về sức khỏe như: đau dạ dày, đau đầu, khó thở, tim loạn nhịp thất thường…

Không những thế, nếu phải kìm nén cảm trong suốt một thời gian dài, không chỉ thể chất chịu tổn thất mà sẽ phát sinh thêm những hội chứng tâm lý như trầm cảm. Từ đó, đàn ông sẽ cạn kiệt niềm vui, động lực và cả năng lượng trong cuộc sống.

Hãy nhìn nhận sức khỏe tâm lý cũng quan trọng như sức khỏe thể chất, đừng chỉ vì ta không nhìn thấy hay chạm vào được mà phủ nhận sự tồn tại của các vấn đề tinh thần. Việc dành thời gian để kiểm tra và đánh giá sức khỏe tinh thần một cách thường xuyên sẽ giúp nam giới kịp thời nhận ra các vấn đề của bản thân, cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ kịp thời từ chuyên gia, bác sĩ, người thân và bạn bè. Dẫu biết rằng để mở lời và chia sẻ về các vấn đề mình gặp phải sẽ là khó khăn, nhưng sẽ tốt hơn là cứ giữ mãi các vấn đề trong lòng.