Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Thu hẹp khoảng cách thế hệ với con trẻ
bắt đầu từ đâu?

Đã bao nhiêu lần bạn cảm thấy không hiểu nổi thế hệ con mình? Từ cách suy nghĩ đến những hành động, chúng đều khiến bạn thấy như thể khoảng cách tuổi tác giữa bạn và con như cả thế kỷ? Xem nào, bạn không phải là người duy nhất nghĩ như vậy đâu. Theo một khảo sát được thực hiện trên 400 bố mẹ của Prudential năm 2016, chỉ 16% bố mẹ hài lòng nhất mối quan hệ với con cái và phần lớn trong đó coi khoảng cách giữa hai thế hệ là lý do chính dẫn đến các bất hoà.

Khoảng cách thế hệ - giữa bố mẹ và con cái – không phải là mới nhưng đang trở nên đáng chú ý trong một thập kỷ gần đây. Trong thời đại công nghệ số phát triển với tốc độ chóng mặt, chỉ một bước tiến mới trong sản phẩm hay ứng dụng thông minh cũng đủ đẩy hai thế hệ ra xa nhau thêm một chút. Bên cạnh đó, việc Việt Nam đang trên con đường hội nhập quốc tế khiến cho ảnh hưởng của văn hoá phương Tây ngày càng rõ rệt với thế hệ trẻ. Điều này hình thành thói quen, quan điểm và nhịp điệu sống khác xa với bố mẹ mình. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp giúp bạn gần gũi hơn với con cái?

Đi tìm nguyên nhân của những khoảng cách

Đầu tiên, bố mẹ và con cái ngày nay thường không có nhiều thời gian để chia sẻ và tâm sự cùng với nhau. Mặc dù bố mẹ rất yêu thương con cái nhưng họ lại có quá ít thời gian ở bên để lắng nghe và trò chuyện. Khối lượng công việc quá nhiều cùng những căng thẳng nơi công sở đã lấy đi khá nhiều sức lực của phụ huynh ban ngày, để đến tối hoặc là họ còn quá ít thời gian, hoặc là họ quá mệt mỏi để chơi cùng con cái. Việc có ít thời gian tiếp xúc cùng con sẽ khiến phụ huynh không thể hiểu hết những gì con mình đang suy nghĩ, và đến khi nhìn lại thì khoảng cách giữa hai thế hệ đã quá xa để có thể giải quyết bằng một vài cuộc nói chuyện chóng vánh.

Không chỉ việc ít giao tiếp với nhau mới là nguyên do của khoảng các thế hệ. Bạn đã bao giờ nói với con rằng phải luôn cố gắng để học giỏi, ngoan ngoãn, và thậm chí là xuất sắc ở một số lĩnh vực để trả công phụng dưỡng của bố mẹ chưa nào? Vô tình hoặc cố ý, bố mẹ thường có xu hướng áp đặt lên con cái những thành tích mà họ nghĩ là sẽ tốt cho con sau này, mặc cho chúng có thực sự thích lĩnh vực đó hay không. Có thể thấy một số phụ huynh tạo áp lực lên kết quả học tập ở trường của con mình thay vì quan tâm xem con mình có những sở thích hay năng khiếu gì. Điều này vô hình chung làm các em cảm thấy không được bố mẹ ủng hộ theo đuổi sở thích hay năng khiếu, từ đó có xu hướng giữ bí mật, không chia sẻ bản thân với họ.

Và cuối cùng, bố mẹ - con cái đâu đó sẽ có thái độ hoặc suy nghĩ khác nhau khi nhìn về một vấn đề. Trong khi con cái lúc nào cũng muốn tỏ ra là người trưởng thành, muốn tự chủ trong mọi quyết định thì bố mẹ lại nghĩ con mình chưa đủ lớn, đủ hiểu biết và cần phải nghe lời họ. Chính mâu thuẫn này làm cho khoảng cách giữa hai bên ngày càng xa hơn.

Vậy, làm sao để những khoảng cách hẹp lại?

1. Hãy giao tiếp nhiều hơn

Một điều không thể phủ nhận là giao tiếp chính là chìa khoá vàng để thu hẹp khoảng cách trong các mối quan hệ xã hội nói chung và giữa bố mẹ-con cái nói riêng. Nếu bạn quá bận rộn với công việc trong tuần, hãy dành phần lớn thời gian rảnh ngày cuối tuần cho những buổi sinh hoạt gia đình. Bạn có thể dẫn cả gia đình đi ăn sáng sau đó ngồi cà phê để trò chuyện cùng con. Việc tạo một không gian thoải mái sẽ giúp con cởi mở hơn và chia sẻ nhiều hơn. Tâm sự thường xuyên cùng con không chỉ giúp bạn nắm bắt được những tâm tư suy nghĩ của con mình mà còn giúp con hiểu được tình yêu thương và mong muốn tốt đẹp mà bố mẹ dành cho chúng. Từ đó, con không chỉ xem bạn là đấng sinh thành, mà còn là những người bạn thân để chia sẻ mọi việc, từ đó rút ngắn khoảng cách tình cảm giữa hai bên. Vậy nên, thường xuyên giao tiếp sẽ là một trong những cách tuyệt vời để xoá tan khoảng cách giữa hai thế hệ trong gia đình.

>>> Đừng bỏ lỡ: Làm thế nào để trở thành bạn đồng hành thân thiết cùng con

2. Tránh đặt áp lực lên việc học của con

Con người thường chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất khi thực hiện những việc họ thật sự đam mê và hứng thú. Vậy, tại sao bạn lại phải ép buộc con hoàn thiện bản thân ở những góc độ bạn nghĩ là tốt cho chúng chứ không phải những môn học hay kỹ năng mà chúng thực sự thích hoặc có năng khiếu? Hãy để con phát triển theo cách tự nhiên nhất và hỗ trợ con đạt được đỉnh vinh quang trên chặng đường chính con chọn lựa. Bằng cách đó, con sẽ cảm nhận được sự hỗ trợ từ chính bố mẹ - những người thân yêu nhất của mình, từ đó có nhiều động lực hơn để phấn đấn vươn đến thành công.

Điều đó không có nghĩa rằng bạn sẽ bàng quan để con tự chinh phục thành công một mình. Con sẽ vẫn rất cần bố mẹ như những nhà cố vấn với kinh nghiệm lão làng để có thể điều hướng và động viên con trên bước đường mình đã chọn. Chính vì vậy, hãy là một người bạn luôn đồng hành mãi luôn bên con.

>>> Có thể bạn quan tâm: Không nên áp đặt việc chọn ngành học cho con

3. Học cách chấp nhận

Bước vào thế giới của con cái để hiểu ngôn ngữ và bắt nhịp với sự phát triển chúng chưa bao giờ là dễ dàng. Để làm được điều này, cần rất nhiều nỗ lực để thấu hiểu của bạn. Làm bố mẹ, bạn cần phải học cách chấp nhận. Bạn phải chấp nhận rằng bạn được sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh và môi trường hoàn toàn khác với thế hệ trẻ bây giờ. Do đó, bạn không thể ép con cái có những suy nghĩ giống như bạn vì như thế chúng sẽ dễ trở nên lạc lõng trong xã hội rất cạnh tranh ngày nay. Thay vào đó, hãy học cách chấp nhận suy nghĩ hay quan điểm của chúng và từ đó cho chúng những lời khuyên theo cách nhìn của người có nhiều kinh nghiệm sống. Như vậy, con cái sẽ cảm thấy được tôn trọng, ủng hộ và chúng sẽ chia sẻ với bạn nhiều hơn để được hỗ trợ hay tư vấn.

Áp dụng những bí quyết trên, Prudential tin rằng khoảng cách giữa bạn và con sẽ dần rút ngắn và có khi sẽ mãi mãi không còn tồn tại nữa.

>>> Xem thêm: