5 khuynh hướng hành vi nên tránh để không ảnh hưởng xấu đến quyết định đầu tư
Bộ não là trung tâm điều khiển của cơ thể, đồng thời là nơi đưa ra các quyết sách về những hành vi hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Các khuynh hướng hành vi được đưa ra bởi não bộ có thể ảnh hưởng đến các quyết định tài chính và đầu tư nhiều hơn chúng ta tưởng.
Hãy cùng tìm hiểu 5 khuynh hướng trong tâm lý học hành vi có thể khiến ta đưa ra những quyết định đầu tư sai lầm cũng như cách khắc phục chúng nhé.
Kế toán nhận thức (Mental accounting)
Đây là loại khuynh hướng hành vi đề cập đến quyết định tiêu tiền của nhà đầu tư dựa trên nguồn gốc của số tiền đó và mục đích của nó. Với lối tư duy như thế này, người ta thường “gán” nguồn tiền của mình vào những mục đích khác nhau, và rồi để lại những ảnh hưởng cực kì to lớn đến quyết định đầu tư của cá nhân.
Để làm rõ khái niệm này, hãy lấy con số 10 triệu đồng làm dẫn chứng thiết thực. Cũng là con số 10 “tròn trĩnh” ấy, nhưng chúng ta thường sẽ tiêu xài thỏa thích nếu biết được đó là một “lợi nhuận bất ngờ” (hay còn gọi là windfall gain – một khoản tiền may mắn có được) và ngược lại, sẽ cố gắng dành dụm nó khi bản thân nhận thức được đấy là đồng tiền mồ hôi nước mắt mình làm ra.
Vì tâm lý chung của một số người là sẽ dành dụm, nhưng việc tiết kiệm một cách thiếu logic sẽ không đem lại kết quả mĩ mãn cho tình hình tài chính cá nhân. Chẳng hạn như ta tích góp một khoản tiền tiết kiệm cho mục tiêu du học sau này mà lại không trả “nợ” tín dụng. Kết quả, ta quên rằng nếu cứ mãi gán các khoản tiền mình đang sở hữu cho một mục đích xa vời trong tương lai, thì kết cục là du học thì chẳng thấy, mà “lãi mẹ đẻ lãi con” đã ở ngay trước mắt.
Chính vì thế, hãy thiết lập ngân sách cá nhân để dễ dàng định hướng những quyết định tài chính của mình cũng như biết khi nào nên mạnh dạn đầu tư, khi nào nên tiết kiệm. Ngoài ra, hãy thử vạch ra một kế hoạch đầu tư cụ thể nếu một ngày bạn bất ngờ nhận được một khoản tiền từ “trên trời rơi xuống” mà mình không nghĩ tới, như khoản tiền thừa kế hay các khoản tiền hoa hồng chẳng hạn.
Không thích thua lỗ (Loss aversion)
Nghiên cứu năm 2019 xuất bản trên tạp chí Scientific Reports đã chỉ ra rằng mọi người hình thành khuynh hướng né tránh rủi ro thay vì đầu tư sinh lời do hiệu ứng “không thích thua lỗ”. Thầy Robert R. Johnson, giáo sư tài chính tại Đại học Kinh doanh Heider thuộc Đại học Creighton đã nhận định rằng tâm lý sợ thua lỗ lại là “thủ phạm” khiến chúng ta mất tiền. Bởi lẽ, những sai lầm về tài chính bắt nguồn phần lớn là do người ta chấp nhận quá ít rủi ro, chứ không phải là quá nhiều như chúng ta vẫn thường nghĩ.
Khuynh hướng hành vi này khiến chúng ta tránh né những rủi ro nhỏ ngay cả khi chúng có thể rất đáng giá về sau. Điều này lý giải cho tâm lý tiết kiệm thay vì đầu tư, dẫu rằng lạm phát sẽ khiến tiền mất đi giá trị nhưng các khoản đầu tư lại sẽ sinh lời, nếu được “ấp” đủ lâu. Để tránh được tâm lý sợ rủi ro này, không để cảm xúc chi phối cũng như đừng để nỗi sợ không ổn định “lu mờ” quyết định đầu tư. Vì vậy, hãy vạch ra chiến lược đầu tư cho bản thân, phân bổ các khoản tiền một cách hợp lý, các khoản đầu tư đúng đắn sẽ đem đến cho chúng ta một nguồn vốn ổn định mai sau.
Tâm lý quá tự tin (Overconfidence bias)
Ngược lại với tâm lý lo sợ các khoản lỗ, việc quá tự tin cũng là một trạng thái phổ biến của các nhà đầu tư khi tin tưởng rằng mình đủ giỏi để “cân” được mọi tình huống. Nghiên cứu cho thấy các cá nhân hình thành tư tưởng “tự tin thái quá” thường không có khả năng quản lý và kiểm soát rủi ro tốt. Hậu quả tiêu cực nhất của khuynh hướng hành vi này nằm ở việc nhà đầu tư sẽ đánh giá quá cao khả năng và kiến thức của bản thân mình, và đưa đến những quyết định hấp tấp và thiếu lí trí. Chẳng hạn như việc họ cho rằng mình sẽ có thể chọn đúng thời điểm của thị trường để mua và bán.
Mẹo cho các “tay mơ” mới tập đầu tư là hãy xin lời khuyên từ các chuyên gia và thường xuyên theo dõi chiến lược đầu tư của mình để cân nhắc bằng nhiều góc nhìn khác nhau. Hơn nữa, đừng mãi chăm chăm vào việc dự đoán tình hình ngắn hạn của thị trường mà hãy cân nhắc đầu tư lâu dài. Bời vì thời gian mà chúng ta dành ra để tìm hiểu và phân tích thị trường, từ đó đưa ra các quyết sách đầu tư dài hạn sẽ vẫn luôn hiệu quả hơn việc dự đoán tình hình ngắn hạn với một tâm lý đầu cơ, hên xui may rủi.
Hiệu ứng mỏ neo (Anchoring bias)
Hiện tượng này xảy ra khi nhà đầu tư phụ thuộc quá nhiều vào thông tin ít ỏi ban đầu và đưa ra những quyết định đầu tư về sau. Trong đầu tư, lối suy nghĩ này có thể ảnh hưởng đến quyết định khi nào nên mua hoặc bán chứng khoán. Chính vì các quyết định đầu tư đòi hỏi người chơi phải đưa ra nhiều phán đoán phức tạp, nên chúng dễ bị sai lệch và “neo” theo một lối tư duy nhất định.
Ví dụ, một người có thể nắm giữ cổ phiếu lâu hơn bình thường vì họ có tâm lý “neo” vào mức giá cao hơn họ đã mua. Có thể thấy, giá mua làm sai lệch sự phán xét của họ về giá trị thực của cổ phiếu. Cách duy nhất để khắc phục được điều này chính là thời gian. Hãy dành thời gian nghiên cứu thật kỹ lưỡng và đánh giá vấn đề một cách toàn diện rồi hãy đưa ra quyết định. Hơn nữa, hãy đón nhận và tiếp thu thông tin mới, mặc dù chúng không nhất thiết phải đồng nhất với những gì ta đã được biết.
Nỗi sợ bị bỏ lỡ (Herd behavior bias / FOMO)
“Hiệu ứng đám đông” là tâm lý đuổi theo người khác để ra quyết định đầu tư, thay vì tự mình quyết định dựa trên các dữ liệu tài chính. Tâm lý này có thể hiểu được, người ta chạy theo đám đông đơn giản vì nó đem lại cảm giác an toàn hơn. Ngoài ra, còn có thuật ngữ mang tên “Fear of missing out” (Nỗi sợ bỏ lỡ), ví như việc ai mà có thể yên lòng dậm chân tại chỗ khi bạn bè đồng trang lứa thì đang “ngồi trên đống tiền” nhờ vào đầu tư đâu cơ chứ?
Tuy nhiên, việc chạy theo đám đông không phải lúc nào cũng tốt, mà còn có thể phản tác dụng. Vì tâm lý này có thể tạo ra “bong bóng” khổng lồ, tức là mức giá của một loại tài sản bị thổi phồng vượt quá giá trị thực tế của nó. Chính vì thế, các nhà đầu tư hãy bình tĩnh nhìn nhận lại các khoản đầu tư của mình. Để khoản tiền của mình sinh lời trong tương lai, các nhà đầu tư cần hình thành tâm lý “vạch lá tìm sâu”, tìm hiểu thật kỹ về các yếu tố kinh tế căn bản của một doanh nghiệp để xem liệu đây có đáng là nơi mình sẽ “chọn mặt gửi vàng”. Chúng ta cũng đừng đặt quá nhiều niềm tin vào những loại cổ phiếu thuộc nhóm thịnh hành, liên tục được mua qua – bán lại trên thị trường nhé.