cai nghiện smartphone, nghiện điện thoại
Blog Nhịp Sống Khỏe

Bạn có đang mắc phải hội chứng bất an khi không có điện thoại?

Sự phát triển của công nghệ và các ứng dụng khiến cho chiếc điện thoại thông minh trở nên hấp dẫn và tiện dụng hơn bao giờ hết. Thật khó để tưởng tượng sẽ như thế nào nếu một ngày ta không có điện thoại kề bên. Thế nhưng, bên cạnh những lợi ích không cần bàn cãi, điện thoại thông minh cũng gây ra không ít tác động tiêu cực nếu như chúng ta sử dụng sai cách. Trong đó phải kể đến hội chứng Nomophobia – Hội chứng lo sợ khi không có điện thoại.

Hội chứng của cuộc sống hiện đại

Hội chứng Nomophobia là từ ghép của của “no mobilephone phobia”. Trong đó, từ “no mobile phone” nghĩa là không điện thoại, còn “phobia” là thuật ngữ tâm lý học miêu tả nỗi sợ, nomophobia nghĩa là hội chứng miêu tả nỗi lo sợ khi không có điện thoại bên cạnh.

Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy nỗi ám ảnh này ngày càng lan rộng. Năm 2019, gần 53% người Anh sở hữu điện thoại từ năm 2008 cảm thấy lo lắng khi họ không có điện thoại, hết pin hoặc không có dịch vụ. Một nghiên cứu năm 2017 khi xem xét 145 sinh viên y khoa năm thứ nhất ở Ấn Độ đã cho thấy 17,9% những người tham gia mắc chứng nomophobia ở mức độ nhẹ. Đối với 60% người tham gia, các triệu chứng lo lắng và bất an khi không có điện thoại ở mức trung bình, và đối với 22,1% số người tham gia khảo sát còn lại, các triệu chứng lo lắng và bất an được cảnh báo ở mức nghiêm trọng.

Vì đâu nên nỗi?

Nomophobia là một “căn bệnh” thời đại – nói cách khác – hội chứng này được cho rằng có thể bắt nguồn từ việc chúng ta ngày càng quan tâm, dành nhiều thời gian hay thậm chí đôi lúc là phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ. Từ cảm giác phụ thuộc đó, ta dễ dàng cảm thấy bất an và lo lắng nếu như một ngày không có điện thoại cạnh bên vì ta sợ cảm giác bỏ lỡ - bở lỡ thông báo từ mạng xã hội hay một thông tin nóng hổi nào đó chẳng hạn.

Hội chứng này thường gặp phải ở những người trẻ hơn là ở người lớn tuổi. Một lý do khác có thể giúp giải thích cho hội chứng này chính là sâu trong chúng ta luôn sợ hãi cảm giác cô đơn hoặc lạc lõng với xung quanh. Khi ta dùng điện thoại là phương thức liên lạc chính với mọi người, việc ngắt đi kết nối này đồng nghĩa với việc ngắt đi kết nối cùng thế giới xung quanh. Việc không muốn trải qua cảm giác cô đơn này có thể khiến ta luôn muốn để điện thoại ở bên cạnh.

Làm sao để chống lại nỗi lo lắng khi vắng bóng “dế yêu”

Liệu pháp tiếp xúc – Chữa trị từ gốc rễ tinh thần

Liệu pháp tiếp xúc là nếu bạn sợ hãi điều gì, cách tốt nhất để chiến thắng là đối diện với nó cho đến khi nỗi bất an biến mất. Đối với liệu pháp này, mục đích chính không phải là tránh hoàn toàn việc sử dụng điện thoại. Thay vào đó, liệu pháp giúp ta giải quyết nỗi lo lắng và bất an mà chúng ta nghĩ đến khi tưởng tượng ra viễn cảnh ta không sở hữu điện thoại bên mình. Việc kiểm soát những nỗi lo tiêu cực này sẽ giúp chúng ta sử dụng điện thoại theo hướng lành mạnh hơn.

Ví dụ như khi đến một nơi đông người (như quán cà phê chẳng hạn), trong khi bản thân thấy bối rối trong lúc chờ bạn đến, thay vì lướt điện thoại, ta có thể trấn an chính mình rằng ngồi ngắm phố phường một chút cũng tốt hay thử đọc vài trang sách trong lúc chờ đợi. Không nhất thiết cứ phải có điện thoại bên cạnh ta mới có thể ổn, ta có thể sống vui mà không phải bận tâm với việc giữ chặt điện thoại mọi lúc và mọi nơi.

Khi bạn dần thích nghi với thói quen này, bạn sẽ không còn “lệ thuộc” vào chiếc điện thoại mọi lúc mọi nơi nữa.

“Ly thân” với điện thoại trong vài khoảng thời gian nhất định mỗi ngày

Nếu như một trong số chúng ta vẫn luôn cho rằng điện thoại là “vật bất ly thân” không thể nằm ngoài tầm mắt, hãy tập cách bình tĩnh và rời xa điện thoại vào một vài khoảng thời gian trong ngày để bình ổn về mặt tâm lý. Hãy bật chế độ không làm phiền để có thể cho tâm trí nghỉ ngơi vì chế độ này sẽ giúp chúng ta tự động tắt đi các thông báo, chuyển cuộc gọi và tin nhắn sang chế độ chờ để có được khoảnh khắc yên tĩnh tạm thời. Ngoài ra, ta hãy dành một chút thời gian mỗi ngày để tránh xa mọi công nghệ. Hãy thử ngồi yên lặng, viết thư, đi dạo hoặc khám phá một khu vực ngoài trời mới.

Tắt điện thoại vào ban đêm và giữ điện thoại đủ xa

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đối với những ai mắc phải hội chứng nomophobia thường sẽ phải giữ điện thoại bên mình cho đến lúc ngủ. Việc không có điện thoại kế bên cũng khiến họ lo lắng đến mức có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Để có một giấc ngủ sâu, ngon lành và đủ giấc, ta cần tập thói quen không sử dụng các thiết bị điện tử từ 30 đến 60 phút để cơ thể chuẩn bị cho giấc ngủ sắp đến. Nếu ta cần báo thức để đánh thức, hãy giữ điện thoại ở khoảng cách xa, đủ xa để không thể dễ dàng kiểm tra trong đêm.

Nỗ lực để kết nối trực tiếp nhiều hơn

Những chuyến đi picnic, những bữa ăn tối cuối tuần hay cùng xem một bộ phim mới ra trên Netflix đều là những ý tưởng tuyệt vời để kết nối cùng những người thân quanh ta. Trong thời gian này, hãy tắt thông báo điện thoại để không bị chúng làm phiền. Bên cạnh đó, việc cố gắng trò chuyện và tương tác cùng những người xung quanh, hỏi thăm một cách lịch sự hay đơn giản là gửi lời chúc cho một ngày mới tốt lành đến chị hàng xóm vừa dọn đến hay bác bảo vệ tòa nhà cũng là một cách để chúng ta gửi đi sự chú ý tích cực vào cuộc sống xung quanh – thay vì chiếc điện thoại thông minh.

Tập trung cho khoảnh khắc hiện tại

Có một khái niệm nổi lên trong vài năm trở lại đây, đó chính là tư duy về “chánh niệm” – nghĩa là tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, ở đây và ngay lúc này. Điều đó đồng nghĩa với việc tách mình ra khỏi điện thoại để tập trung vào những việc mà chúng ta đang làm ví dụ như lúc trò chuyện cùng bạn bè hay khi đang ăn uống. Điều này sẽ giúp ta có thể tập trung để tận hưởng trọn vẹn cuộc trò chuyện và bữa ăn, cũng như không bị gián đoạn về mặt tâm trí bởi những thông báo từ điện thoại.

Vẫn biết rằng, điện thoại thông minh đem đến rất nhiều tiện ích và tiết kiệm thời gian cho cuộc sống của chúng ta, song mọi thứ đều nên duy trì ở mức độ cân bằng và hợp lý để đạt được hiệu quả tốt nhất. Hãy cùng sử dụng điện thoại thông minh một cách thông minh, bạn nhé!