Bố mẹ đơn thân và bài học về sự cân bằng
Blog Nhịp Sống Khỏe

Bố mẹ đơn thân và bài học về sự cân bằng

Lựa chọn trở thành bố mẹ đơn thân dù trong bất cứ tình huống nào chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Điều đó đồng nghĩa người bố hoặc mẹ phải đảm nhận cả hai vai trò cùng một lúc vẫn đảm bảo mang đến cho con một cuộc sống và tình yêu thương trọn vẹn. Đó là bài học về sự cân bằng cả hai khía cạnh vật chất lẫn tinh thần mà mỗi bậc phụ huynh thuộc kiểu gia đình này cần phải đối mặt.

Cân bằng giữa cuộc sống và công việc

Thực tế ngay cả đối với một gia đình có cả bố và mẹ, việc cân bằng giữa đời sống cá nhân và công việc bên ngoài luôn là bài toán nan giải. Ai sẽ dọn dẹp nhà cửa? Ai sẽ đón con tan học? Ai sẽ tham gia họp phụ huynh? Có muôn vàn nhiệm vụ cần san sẻ cùng nhau để chăm sóc cho một đứa trẻ. Vậy với gia đình đơn thân, câu hỏi “Ai sẽ…?” tăng cấp độ khó lên nhiều lần khi chuyển thành “Làm sao có thể một mình…?”. Sau đây là 3 lời khuyên bạn có thể cân nhắc.

 

Đừng quá ôm đồm công việc: Một trong những lý do khiến bạn cảm thấy căng thẳng khi trở thành bố mẹ đơn là bạn có quá nhiều thứ phải xử lý cùng một lúc. Khi chưa có con, bạn có thể thỏa thích chạy theo đam mê, tăng ca hay nhận thêm việc bên ngoài, chẳng sao cả vì bạn vẫn đang tận hưởng cảm giác của một workaholic (người nghiện công việc). Thế nhưng khi có con, nếu tiếp tục tình trạng này sẽ dẫn đến việc “chẳng đâu vào đâu” khi thời gian và sức người là có hạn, công việc dở dang mà con trẻ cũng cảm thấy bất an khi thường xuyên ở một mình.

Đặt ra những giới hạn: Chúng ta thường nghĩ công việc và đời sống là hai thứ hoàn toàn tách biệt nhau, nhưng bằng cách nào đó, chúng có mối liên hệ tác động và việc của chúng ta là vạch ra những lằn ranh giới hạn. Ví dụ hôm nay sếp bắt tăng ca, ngày mai chị gái nhờ chăm con hộ, và thế là kế hoạch xem phim tối cùng con bị bỏ ngang. Chính vì thế, hãy học cách nói “KHÔNG" trong những trường hợp cần thiết, công việc và mối quan hệ cần duy trì nhưng con trẻ cũng rất quan trọng và chúng chỉ có một mình bạn.

Chia sẻ khi cần: Sẽ rất bối rối và mất tình cảm khi bạn liên tục từ chối những lời nhờ vả hoặc yêu cầu từ người thân và đồng nghiệp. Vì vậy chia sẻ là chìa khóa cho sự cảm thông. Hãy thẳng thắn nói về vấn đề mà bạn đang gặp phải hoặc kế hoạch sắp tới cho gia đình đơn thân của mình để tránh hiểu lầm và tranh cãi không đáng có. 

Cân bằng tài chính

Bạn dễ dàng có được hàng trăm kết quả khi tìm kiếm lời khuyên về quản lý tài chính cho bố mẹ đơn thân trên môi trường trực tuyến. Tuy nhiên, hãy luôn nhận thức rằng one-size-fits-all (một kích vừa với tất cả mọi người) là không tồn tại. Trong vai trò người trụ cột (duy nhất) của gia đình, bạn càng phải nỗ lực và linh hoạt trong việc cân bằng vấn đề tài chính.

Lên ngân sách chi tiêu hàng tháng: Ngân sách chi tiêu có vẻ là thứ đã quá lạc hậu khi mọi khoản tiền giờ đây đều được thống kê qua các ứng dụng tài chính, thế nhưng việc cân đối chi tiêu và tiết kiệm luôn là điều cần thiết. Bằng việc làm này, bạn có thể đánh giá các khoản nợ, bắt đầu tiết kiệm và điều chỉnh kế hoạch cho những khoản chi tiêu mới xuất hiện dành cho con.

Đặt ra các mục tiêu tài chính: Sau khi lên kế hoạch chi tiêu ngắn hạn, bạn nên lập ra các mục tiêu tài chính trong dài hạn cho gia đình. Ngân sách phản ánh tình hình tài chính trong hiện tại còn mục tiêu tài chính đại diện cho tương lai. Nếu mua nhà xx tỉ thì với thu nhập hiện tại mỗi tháng cần tiết kiệm bao nhiêu? Cho con đi du học năm 18 tuổi cần gì? Hãy viết mọi thứ xuống một cách rõ ràng và bạn đã hoàn thành 40% mục tiêu rồi đấy.

Tiết kiệm là thượng sách: Bạn có thể chưa tìm được cách tăng thu nhập ngay lập tức, nhưng tiết kiệm thì là việc hoàn toàn trong khả năng. Tự nấu ăn thay vì ra ngoài, dạy tiếng anh cho con tại nhà, tự rửa xe hay đọc sách điện tử thay cho sách giấy,... Có rất nhiều cách để bắt đầu tiết kiệm những khoản tiền nho nhỏ. Vài năm sau đó, nó có thể sở hữu một khoản tiền không ngờ tới.

Cân bằng thời gian cho con trẻ và chính mình

Bạn có nhớ mỗi lần trước khi máy bay cất cánh, tiếp viên đều dặn dò hành khách khi có vấn đề phát sinh, hãy mang mặt nạ dưỡng khí cho mình trước rồi giúp đỡ người kế bên? Bởi khi an toàn và khỏe mạnh, chúng ta mới có thể bảo vệ tốt nhất cho những người bên cạnh mình. Tiếc thay, các vị bố hoặc mẹ đơn thân đều quên mất chuyện này. Bạn học cách gánh vác cả thế giới trên vai, nỗ lực cho đứa con một điểm tựa vững chắc mà quên rằng bản thân cũng cần được quan tâm.

 

Bạn không thể trở thành một bậc phụ huynh tốt nhất khi bản thân còn chưa hoàn thiện. Hãy học cách cân bằng thời gian bên con và thời gian dành cho chính mình. Đã bao lâu rồi bạn chưa ăn món mình thích, ra ngoài du lịch, ngủ không hẹn báo thức, tận hưởng không gian một mình trong 30 phút? Nếu câu trả lời là rất lâu thì hãy xem lại mọi thứ, đã đến lúc cán cân cần được trả về vị trí cân bằng để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của chính bạn.