Emotional Eating - Khi ta ăn vì… buồn
Blog Nhịp Sống Khỏe

Emotional Eating -
Khi ta ăn vì… buồn

Có bao giờ bạn nghe đến thuật ngữ “Emotional Eating” hay chưa? Đây là một hiện tượng phổ biến hơn bạn nghĩ và khả năng cao bạn cũng đã, đang và có thể sẽ mắc phải. Vậy Emotional Eating là gì và cách điều trị ra sao? Hãy cùng Prudential tìm hiểu trong bài biết này nhé!

 

“Emotional Eating” là gì?

Theo Washington Post, khái niệm Emotional Eating ra đời vào những năm 1960, dùng để chỉ những người “ăn uống theo cảm xúc” và không thể phân biệt được giữa ăn vì đói và ăn vì cảm xúc bất ổn. Nói một cách đầy đủ, Emotional Eating - Ăn uống theo cảm xúc là hành vi sử dụng thức ăn như một cách để xoa diệu các cơn cảm xúc tiêu cực, thường xuất hiện rất bất chợt, cảm giác cần được thỏa mãn bằng thức ăn ngay lập tức.

Vậy gốc rễ của Emotional Eating đến từ đâu? Bất cứ căng thẳng trong công việc, cuộc sống, lo lắng về tài chính, các vấn đề sức khỏe đến các cuộc đấu tranh, mâu thuẫn trong các mối quan hệ,... đều có thể là nguồn gốc của việc ăn uống theo cảm xúc. Điểm chung của các trường hợp trên là cảm xúc tiêu cực phát sinh, nhấn chìm tâm trạng đến cùng cực. Khi đó, bạn thường có xu hướng muốn ăn một loại đồ ăn hay thức uống cụ thể, đa phần là đồ ngọt, thức ăn nhanh,... có lượng calo rất cao giúp bạn khỏa lấp chỗ trống trong tâm hồn và tạo ra một cảm giác thỏa mãn tạm thời.

Khi đã sa vào con đường “ăn uống theo cảm xúc", bạn sẽ khó nhận ra và cứ tiếp tục chạy theo lối mòn này, dẫn đến một vòng lặp ăn quá mức và tác hại dễ nhìn thấy nhất đó là tăng cân.

 

Dấu hiệu nhận biết bạn đang bị “Emotional Eating”

Để giúp tâm trạng tốt lên, tự thưởng cho mình những món ăn ngon thỉnh thoảng là điều bạn nên làm. Tuy nhiên, bạn nên tỉnh táo, tránh để bản thân buông thả và rồi dấn thân vào cái bẫy “Emotional Eating” từ khi nào không hay. Để kiểm tra xem bạn có đang “mắc bẫy", hãy thử trả lời vài câu hỏi đơn giản sau đây:

  • Khi lo lắng, bạn có xu hướng ăn nhiều hơn không?

  • Khi bạn đã cảm thấy no căng bụng, có khi nào bạn vẫn bất chấp muốn ăn thêm nữa hay không?

  • Bạn có ăn để làm bản thân cảm thấy thoải mái hơn không? (ăn để xoa dịu mỗi khi bạn buồn, chán, tức giận, hưng phấn,...)

  • Bạn có luôn trữ sẵn thức ăn kề cạnh bên mình ngay cả khi không cảm thấy đói?

  • Bạn có nghĩ thức ăn là một phần thưởng nuông chiều bản thân, giúp bạn “up-mood” sau khi gặp áp lực hay căng thẳng?

  • Bạn có thấy mình mất kiểm soát khi chọn và gọi đồ ăn?

 

Nếu câu trả lời là “Có” với hầu hết các tình huống đặt ra trên thì khả năng cao bạn đang gặp vấn đề Emotional Eating. Ngoài ra, để phân biệt giữa cảm giác “ăn uống vì đói” hay “ăn uống theo cảm xúc” dễ dàng hơn, bạn hãy tham khảo bảng dưới đây và chú ý đến thời điểm cơn đói xuất hiện cũng như cảm giác của bạn sau khi ăn nhé!

Cơn đói thực sự

Cơn đói cảm xúc

Phát triển chậm theo thời gian (đi kèm với dấu hiệu bụng sôi lên)

Đến bất ngờ ở bất kỳ thời điểm nào

Mong muốn một loạt các nhóm thực phẩm

Chỉ thèm một số thực phẩm nhất định

Cảm nhận được cảm giác no và ngừng ăn

Có thể ngấu nghiến mà không cảm thấy no và

không muốn dừng lại

Không có cảm giác tiêu cực về việc ăn uống

Cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ về việc ăn uống

 

Làm thế nào để hạn chế / kiềm chế “Emotional Eating”?

 

Thực phẩm có thể giúp bạn “lấp đầy” nỗi buồn hoặc giảm căng thẳng tạm thời nhưng giải quyết triệt để cảm xúc tiêu cực mới là cách giúp bạn khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần trong dài hạn. Để làm được điều đó, hãy tham khảo một số cách Prudential liệt kê dưới đây:

  1. Nhận thức hậu quả của “ăn uống theo cảm xúc”: Việc thường xuyên ăn uống khi tâm trạng không tốt có thể hình thành nên thói quen xấu, gây ra tình trạng béo phì, bệnh tim mạch và các vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy, hãy luôn ý thức về loại thực phẩm ăn vào, lý do tại sao lại ăn và hiểu được những tác hại của Emotional Eating.

  2. Có chế độ ăn uống lành mạnh: Lên thực đơn các bữa ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho cơ thể, chú ý không quá no và cũng không quá đói. Nếu bạn thèm ăn mà không phân biệt được vì đói hay vì cảm xúc, hãy thử với những món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe như trái cây, rau quả tươi, các loại hạt và các loại thực phẩm ít chất béo, ít calo khác.

  3. Thiền hoặc thực hiện hoạt động thể chất: tập thể dục không chỉ giúp cơ thể bạn chắc khỏe mà đó còn là cách bạn giải phóng những năng lượng tiêu cực ra ngoài. Ngay từ bây giờ, hãy lên một kế hoạch tập luyện dài hơi và bạn sẽ thấy kết quả khả quan chỉ sau 2 tuần. Bên cạnh đó, khi bạn cảm thấy căng thẳng, bạn có thể ngồi thiền để trấn an tinh thần, tạo cảm giác bình tĩnh và thư giãn cho cơ thể một cách nhanh chóng nhất.

  4. Thực hiện quy tắc “trì hoãn 5 phút”: Mỗi khi cơn “buồn miệng” kéo đến khiến bạn muốn ăn một thứ gì đó, hãy khiến bản thân đợi thêm 5 phút bằng cách đứng dậy, đi dạo quanh nơi bạn làm việc, tán gẫu với đồng nghiệp,... Sau 5 phút bạn hãy quyết định xem mình có còn cần thiết phải ăn nữa không. Trong 5 phút ngắn ngủi đó, bạn sẽ sớm nhận ra mình không hề đói và giúp ngưng ngay suy nghĩ thèm ăn.

  5. Tìm cách khác “lấp đầy cảm xúc”: Để chống lại sự cô đơn, trống trải trong những khoảnh khắc buồn bã, thay vì tìm đến thức ăn bạn hãy hướng suy nghĩ của mình đến chuyện khác. Chẳng hạn nhấc điện thoại lên và gọi cho một người bạn hoặc thành viên trong gia đình, nghe một bài podcast yêu thích, ra ngoài hít thở, đi bộ, đạp xe,...Cố gắng đừng để thức ăn chi phối và trở thành lựa chọn duy nhất mỗi khi bạn xuống tinh thần nhé.

  6. Nhìn nhận cảm xúc và giải quyết căng thẳng: Mấu chốt nhất của Emotional Eating vẫn là cảm xúc tiêu cực hay sự căng thẳng của chính bạn. Nếu bạn đang gặp vấn đề về công việc, hãy từng bước gỡ rối. Nếu bạn đang lo lắng về tài chính, hãy lên một kế hoạch chi tiêu và quản lý tiền một cách hiệu quả. Điều quan trọng là, bạn hiểu rõ được hiện tại bản thân đang có những cảm xúc nào, gọi tên chúng, quan sát và cho phép bản thân tạm thời có những cảm xúc không đẹp đó thay vì cứ trốn tránh và tìm cách để khỏa lấp. Bạn hãy nhớ rằng, cảm xúc chỉ là nhất thời, những gì bạn làm để vượt qua nó mới là điều quan trọng.

 

Lời kết

Mặc dù chúng ta không thể loại bỏ mọi nguồn căng thẳng trong cuộc sống của mình, nhưng chúng ta có thể kiểm soát - ở một mức độ nào đó - tác động của chúng đối với cơ thể chúng ta. Từ đó, những cơn ăn uống theo cảm xúc cũng sẽ giảm đi và dần được thay thế bởi những hành vi tích cực.  Bạn nên hiểu rằng, Emotional Eating” không hề đáng trách, đáng trách là khi bạn biết bản thân có vấn đề nhưng lại không cố gắng tìm cách giải quyết mà thôi.