Phong tục cổ truyền Hương vị làm nên Tết Việt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Phong tục cổ truyền - “Hương vị” chính làm nên Tết Việt

Trong suốt bốn nghìn năm lịch sử, các phong tục cổ truyền đã dần hình thành và được xem như một nét đẹp không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán. Với nhịp sống tất bật của xã hội hiện đại, các yếu tố văn hóa này đang đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi các trào lưu mới. Chính vì thế, việc hiểu rõ ý nghĩa của từng phong tục và cùng chung tay gìn giữ chúng chính là cách để giá trị của ngày Tết mãi vẹn nguyên.

 

1. Tống cựu nghinh tân

Hay còn có thể hiểu là Tiễn cái “Cũ” - Đón cái “Mới”. Phong tục này thường được thể hiện rõ ràng nhất thông qua truyền thống dọn dẹp, sửa sang, trang hoàng nhà cửa hay sắm sửa quần áo mới. Không chỉ sửa soạn bề ngoài mà ngay cả trong tâm trí, mọi người cũng sẽ tránh những âu lo, hiềm khích diễn ra trong những ngày Tết để ngày đầu Xuân năm mới, ai ai cũng đều vui vẻ và thảnh thơi. Những việc làm nhỏ này đều gửi gắm niềm hy vọng về một năm mới an lành và may mắn sẽ đến với tất cả các thành viên trong gia đình.

 

2. Cúng tiễn và rước ông Công ông Táo

Nghi lễ cúng tiễn ông Công ông Táo và thả cá chép vàng thường được diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp (âm lịch). Đây là thời điểm để gia chủ tổng hợp hết mọi thành tựu của cả gia đình trong năm cũ và nhờ ông Công ông Táo cưỡi cá chép về bẩm báo với Ngọc Hoàng. Nhờ thông tin từ buổi chầu với các Táo mà Ngọc Hoàng mới đưa ra quyết định sẽ ban phước lành để khen thưởng cho những gia đình nào.

Sau buổi chầu với Ngọc Hoàng, gia chủ cũng cần phải thực hiện nghi lễ cúng rước để đón ông Công ông Táo về đúng nhà của mình, vào ngày 30 tháng Chạp, (âm lịch) hoặc 29 tháng Chạp nếu năm đó lịch âm không có ngày 30. Có như vậy, ông Công ông Táo mới có thể tiếp tục ghi nhận những điều hay, điều tốt mà cả gia đình đã thực hiện trong năm mới.

 

3. Gói bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng và bánh tét vốn là hai loại bánh vô cùng quen thuộc trong ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam.

Bánh chưng có hình vuông, tượng trưng cho hình dáng của đất. Vỏ bánh được gói bằng lá dong, bên trong có gạo nếp với nhân là đậu xanh, thịt heo. Bánh chưng mang ý nghĩa tinh thần, thể hiện sự biết ơn của con cháu với cha ông, đất trời.

Bánh tét có hình dáng trụ tròn, được gói bằng lá chuối tươi và quấn chặt xung quanh bằng gân lá. Phần nhân bên trong cũng tương tự như bánh chưng. Bánh tét mang ý nghĩa nhân sinh cao cả, như hình ảnh người mẹ bọc lấy, che chở cho các con.

Dù có hình dạng khác nhau nhưng cả hai loại bánh chưng và bánh tét còn mang ý nghĩa uống nước nhớ nguồn, nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội; hay tượng trưng cho một năm mới gia đình luôn được sung túc, đủ đầy, bình an.

 

4. Chưng cây, hoa và bày mâm ngũ quả

Việc chưng cây, hoa và bày mâm ngũ quả đều là những hoạt động mong cầu điều may, điềm lành đến với gia đình của mình. Bởi việc chưng các loại hoa như: đào, mai, mào gà, lan,... hoặc các loại cây như quất, phát tài, sung,… đều là để xua đuổi tà ma và thu hút điều may mắn.

Bên cạnh đó, việc bày mâm ngũ quả với các loại trái như mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài hay có thể hiểu là “CẦU SUNG VỪA ĐỦ XÀI” cũng là cách thể hiện mong muốn đón chào một năm mới với nhiều may mắn, tài lộc.

 

5. Tảo mộ

Tảo mộ (một số nơi gọi là chạp mả) là một trong những truyền thống để bày tỏ lòng biết ơn nguồn cội của người Việt. Từ 23 đến 30 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm, con cháu từ khắp nơi đều sẽ trở về quê cha đất tổ để dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất không gian xung quanh mồ mả của ông bà tổ tiên. Sau đó, mọi thành viên đều sẽ thắp nhang để báo cáo về thành tựu trong năm của mình cũng như mời vong linh tổ tiên về đoàn tụ với con cháu vào dịp Tết Nguyên Đán.

 

6. Cúng giao thừa

Lễ cúng giao thừa thường được chuẩn bị kỹ lưỡng và cầu kỳ nhất trong suốt những ngày Tết. Bởi người Việt tin rằng, việc làm lễ cúng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ với năm mới sẽ giúp cả gia đình đón nhận được nhiều điều tốt đẹp nhất. Bên cạnh đó, lễ cúng giao thừa thường được chia làm hai lễ, một lễ được cử hành trong nhà và một lễ được cử hành ngoài trời. Việc chia lễ cúng này mang ý nghĩa tiễn đưa Thần năm cũ và rước Thần năm mới cùng nhiều tài lộc và may mắn về nhà.

 

7. Xông đất

Xông đất hay còn được hiểu là những bước chân vào nhà đầu tiên trong ngày đầu Xuân năm mới (tức Mồng một Tết). Người Việt quan niệm rằng người xông đất sẽ quyết định sự may mắn, an lành và thịnh vượng của cả gia đình. Chính vì vậy mà gia chủ - đặc biệt là những thương nhân - thường sẽ mời những người hợp tuổi với mình đến xông đất với mong muốn người đó sẽ mang may mắn cho mình suốt cả năm. Người xông đất cần ăn mặc chỉnh tề và phải đi hết 1 vòng quanh nhà thì mới có thể mang may mắn đến cho gia chủ.

 

8. Xuất hành và đi lễ đầu năm

Ngày mùng Một đầu năm, người Việt thường chọn giờ đẹp, hướng đẹp để xuất hành với hi vọng cả năm đều may mắn ngay từ khi bước chân ra khỏi nhà. Hầu hết mọi người thường kết hợp xuất hành với đi lễ chùa trong ngày đầu tiên của năm mới. Bởi việc đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc mà còn là để bày tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên.

 

9. Chúc Tết và mừng tuổi

Chúc Tết và mừng tuổi là phong tục không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của người Việt. Trong những ngày Tết, con cháu thường sẽ tới mừng thọ ông bà, cha mẹ. Sau đó ông bà, cha mẹ sẽ mừng tuổi con, cháu với những chiếc phong bao lì xì màu đỏ để lấy may kèm theo những lời chúc các con, cháu hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, hạnh phúc, vui vẻ trong năm mới.

 

 

Những ngày Tết là thời điểm vô cùng ý nghĩa của dân tộc Việt Nam ta. Những phong tục đẹp trong dịp Tết thể hiện truyền thống văn hóa quý báu của người Việt, cần được các thế hệ sau trân trọng gìn giữ và phát huy, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập với thế giới hiện nay. Bởi đó chính là linh hồn, là bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam.