Bài học tài chính cho trẻ từ bao lì xì ngày Tết
Blog Nhịp Sống Khỏe

Bài học tài chính cho trẻ từ bao lì xì ngày Tết

Mỗi dịp Tết đến, trẻ nhỏ lại bội thu nhờ có được một “khoản thu nhập” từ tiền mừng tuổi. Do đó cha mẹ thường có thói quen “giữ giùm” vì sợ con chưa biết giữ tiền và chi tiêu lãng phí, bừa bãi. Tuy nhiên, thay vì “giữ giùm” tiền lì xì của con, phụ huynh nên tận dụng cơ hội, xem đây là thời điểm vàng để dạy con những bài học “vỡ lòng" về quản lý tài chính cá nhân.

 

Dạy con ý nghĩa của tiền lì xì

Phong tục lì xì luôn là một trong những nét văn hóa đặc sắc trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam. Người Việt thường không trực tiếp đưa tiền mừng tuổi cho nhau mà xếp tiền gọn gàng, tinh tế trong những phong bao lì xì đỏ thắm. Không chỉ tạo nên sự kín đáo, không so bì hơn thua, hơn hết, màu đỏ của chiếc bao còn tượng trưng cho màu của niềm hy vọng và sự may mắn, mong muốn mọi sự như ý - cát tường, sung túc - thịnh vượng trong năm tới.

Quan trọng hơn, bao lì xì còn chứa đựng cả những lời cung chúc tốt đẹp dành cho nhau, nhất là để người lớn bày tỏ sự ưu ái, thương mến dành cho trẻ nhỏ trong ngày đầu năm mới. Khi người lớn lì xì cho trẻ con, trẻ sẽ nhận được những lời chúc trân quý với mong ước khoẻ mạnh, mau ăn chóng lớn, học hành tấn tới, ngoan ngoãn nghe lời ba mẹ,...

Vì vậy, ba mẹ nên dạy con hiểu về ý nghĩa của tiền lì xì không nằm ở giá trị của “số tiền" mà quan trọng là ở thông điệp và thiện ý tốt đẹp của hành động. Đây cũng sẽ là một bước tiền đề giúp trẻ hiểu được vì sao khi nhận được phong bao, trẻ phải biết cảm ơn và gửi lại những lời chúc tốt đẹp cho người mừng tuổi chúng.

Dạy con tài chính cá nhân thông qua tiền lì xì

Khi nói về vấn đề dạy con tài chính cá nhân, nhiều cha mẹ quan niệm rằng con còn nhỏ tuổi nên không nhất thiết phải tiếp cận quá sớm. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của đại học Cambridge (Anh), thói quen tài chính của đứa trẻ bắt đầu hình thành khi 7 tuổi, và đó là lời nhắc nhở cho cha mẹ hãy dạy con những bài học về tiền bạc ngay từ thời điểm này. 

a) Dạy con thống kê số tiền nhận và chi:

Việc đầu tiên trong quá trình cho trẻ tiếp cận đến quản lý tài chính cá nhân đó là dạy trẻ ghi lại tất cả những số tiền nhận được cũng như là đã chi. Ba mẹ có thể giúp trẻ ghi chép nếu trẻ chưa thể tự ghi. Điều này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen quản lý tài chính tốt ngay từ khi còn nhỏ, vừa học được cách tính toán, vừa có thể tự quản lý tiền bạc.

Sau những ngày Tết kết sổ lì xì, trẻ sẽ thấy được rõ ràng số tiền của mình tăng giảm như thế nào, dễ dàng nắm được tổng quan số tiền ra sao. Cũng dựa vào đây, bạn có thể nắm rõ các nguồn thu chi của số tiền lì xì mà không phải “giữ giùm” bé.

b) Dạy con tiết kiệm, tích lũy:

Tiết kiệm là một trong những bài học cơ bản nhất giúp trẻ giúp trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền và trở thành người có trách nhiệm hơn trong bài toán chi tiêu của bản thân. Khi con nhận được các khoản tiền lì xì, hãy cho con quyền được làm chủ khoản tiền này bằng cách khuyến khích con bỏ tiền vào ống heo tiết kiệm của riêng mình. Việc cho trẻ tích lũy tiền vừa tạo động lực để trẻ biết ước mơ cho những món đồ trị giá hơn, vừa giúp trẻ rèn luyện đức tính kiên nhẫn.

Ví dụ như khi nhận được 10 nghìn, thay vì đi mua một bịch bánh với giá 10 nghìn, nếu kiên nhẫn và tiết kiệm được đến 50 nghìn, bé sẽ mua được một quyển truyện, một cái nón, hay một cái cặp mà có thể dùng được lâu dài hơn, mức độ ứng dụng hằng ngày cao hơn.

c) Dạy con chi tiêu hợp lý:

Thường khi có tiền, trẻ sẽ nghĩ ngay đến món đồ mình thích và muốn mua. Tuy nhiên, do trẻ cả thèm chóng chán, việc mua đồ mới về xong vứt xó là chuyện rất dễ xảy ra. Điều này sẽ khiến trẻ trở thành người chi tiêu theo cảm xúc, không biết xác định rõ nhu cầu của mình. Vì vậy, ngay khi để trẻ nhận tiền lì xì, hãy sớm dạy trẻ xác định đúng đắn vấn đề này.

Khi con có nhu cầu mua một món đồ, bạn nên cho con tự lập một danh sách các món hàng cần mua sắm và đồng thời dạy cho trẻ khái niệm “muốn” và “cần”. “Cần” là những thứ buộc phải có để tồn tại,  còn “muốn” là những cái muốn sở hữu nhưng không phải thiết yếu. Thêm vào đó, bạn nên tập cho con trẻ quy tắc 4 câu hỏi trước khi muốn mua một món đồ nào đó:

  1. Món đồ này mình dùng để làm gì?
  2. Ở nhà mình có món nào tương tự hay chưa?
  3. Mình sẽ sử dụng nó nhiều hay không?
  4. Mình có thể tự làm ra món này ở nhà không? Nếu là đồ chơi thì có thể tự được không hoặc nếu là đồ ăn thì có thể nhờ bố hoặc mẹ làm được không?

Với kỹ năng này, trẻ sẽ dần xây dựng được sự ổn định, an toàn về vấn đề tiền bạc, từ đó có thể quản lý tài chính một cách hiệu quả và ba mẹ cũng yên tâm hơn.

d) Dạy con dùng tiền cho những mục đích tốt đẹp

Ngoài dạy con cách tiết kiệm và sử dụng tiền lì xì chi tiêu sao cho hợp lý, ba mẹ còn có thể dạy con cách giúp đỡ những người kém may mắn hoặc thực hiện những hành động chia sẻ hướng đến những điều tốt đẹp. Đơn cử việc dùng một ít tiền lì xì làm từ thiện, con có thể giúp đỡ những bạn nhỏ miền núi có hoàn cảnh khó khăn không được ăn Tết đầy đủ như mình hoặc con có thể dùng để mua một món đồ để tặng người bạn mà con yêu quý trong lớp. Khi đó tiền lì xì của bé được sử dụng cho những mục đích cao cả, bé cũng sẽ trở thành người giàu tình cảm hơn nhờ khơi gợi lòng trắc ẩn bên trong trẻ - sự yêu thương, sự sẻ chia đối với người khác.

Lời kết

Dạy con về cách quản lý tài chính không bao giờ là quá sớm. Thay vì ép buộc con: “Phải đưa tiền lì xì cho mẹ”, các bố các mẹ hãy ngồi lại trò chuyện, lắng nghe và chia sẻ với bé những bài học nhỏ, lời khuyên để vừa giúp bé biết cách quản lý chi tiêu cho những mục đích hợp lý, vừa khiến bố mẹ vui lòng và tự hào thêm về bé.