Có hay không “khủng hoảng” tuổi 25
Blog Nhịp Sống Khỏe

Có hay không
“khủng hoảng” tuổi 25?

Có thể nói, tuổi 25 là quãng thời gian đẹp nhất và có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời của mỗi người. Đây là lứa tuổi đầy hứng khởi và giàu năng lượng tuổi trẻ nhưng cũng gặp nhiều trắc trở khiến nhiều người cảm thấy mất phương hướng và bế tắc. Vậy làm thế nào để vượt qua giai đoạn này?

 

1. Khủng hoảng tuổi 25

Khủng hoảng tuổi 25 là trạng thái lo âu, mất phương hướng về mọi mặt trong cuộc sống từ nghề nghiệp, tài chính cho đến các mối quan hệ. Theo đó, hiện tượng này thường xảy ra khi bạn thật sự bắt đầu bước chân vào “thế giới thực”, sau khi hoàn thành bậc đại học, thoát khỏi sự bảo bọc của gia đình và lao vào kiếm việc, đi làm một khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm hoặc có thể hơn nhưng không quá 5 năm.

Tương tự, thuật ngữ “quarter-life crisis” - khủng hoảng ¼ cuộc đời cũng được các nhà tâm lý học sử dụng để giải thích cho những trạng thái bất an, lo sợ, lạc lối của người trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi.

Các chuyên gia cho rằng, cuộc sống càng hiện đại, giới trẻ sẽ càng phải đối mặt và “vật lộn” với nhiều thách thức, trở ngại hơn khi bước vào giai đoạn trưởng thành. Cơn khủng hoảng này dễ dẫn đến mất phương hướng, đau khổ, suy nhược tinh thần, thậm chí là trầm cảm.

 

2. Đối diện với cuộc khủng hoảng tuổi 25

a. Hãy chấp nhận những cảm xúc bạn đang trải qua

Bạn biết không, khủng hoảng đơn thuần là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi về nhiều mặt trong con người bạn. Những hoang mang hay băn khoăn mà bạn đang gặp phải được xem là một phần của quá trình trưởng thành và phát triển. Đây là tín hiệu của sự thay đổi và sự thay đổi trong cuộc sống là điều cần thiết.

Nếu như bạn đang trải qua quãng thời gian không mấy dễ chịu này, thì hãy nhớ rằng bạn không hề cô đơn, bởi nếu nó đã được đặt và gọi tên, nghĩa là có rất nhiều người đã và đang phải trải qua điều này giống như bạn.

 

b. Đừng ngại sai bởi bạn luôn có thể thử lại

Mọi thành công đều đòi hỏi những nỗ lực không ngừng nghỉ. Hãy chấp nhận rằng, không phải lúc nào bạn cũng thành công ở ngay lần đầu tiên. Hãy cho phép bản thân trải nghiệm và phát triển với những sai lầm mình mắc phải, để lần thử tiếp theo bạn có thể tiến đến gần hơn với mục tiêu mình mong muốn.

 

Đi cùng trong giai đoạn này, kiên nhẫn và kiên trì là những gì bạn cần tâm niệm với bản thân. Việc vội vàng, hấp tấp có thể khiến bạn đưa ra những quyết định không mấy sáng suốt, thậm chí có thể khiến bạn rơi vào trạng thái lo âu nặng nề hơn.

 

c. Quyền định nghĩa thành công thuộc về bạn

Có thể đối với thế hệ bố mẹ chúng ta, việc thành công thường được cân đo đong đếm bằng vật chất, địa vị, đến tuổi thì kết hôn, có gia đình, vợ chồng hòa thuận, con cái giỏi giang. Thế nhưng, điều này phần nào lại không còn phù hợp với thế hệ trẻ ngày nay nữa. Việc dùng những định nghĩa về thành công trước đây để áp đặt lên mình, vô tình sẽ khiến chúng ta tự tạo khủng hoảng cho bản thân.

Để có thể vượt qua những điều này, bạn hãy tự tái định nghĩa lại thành công bằng việc hỏi bản thân, “Liệu mình thật sự muốn điều này?”. Hãy cho bản thân có quyền định nghĩa thành công theo cách của bạn. Đôi khi biết được điều bản thân không muốn và thẳng thắn nhìn nhận chúng còn quan trọng hơn cả xác định những điều mình muốn.

 

d. Ở bên người cho bạn năng lượng tích cực

Trong giai đoạn mông lung, hoang mang này, bạn càng phải gặp gỡ và dành nhiều thời gian cho những mối quan hệ đem đến cho bạn sự tích cực, bởi đó là cách giúp bạn cân bằng với nguồn năng lượng bất ổn bên trong.

 

Chẳng hạn, khi bạn nói muốn theo đuổi và phát triển một dự án cá nhân, thay vì ngăn cản hay bàn ra thì những người bạn có tinh thần lạc quan sẽ luôn ủng hộ, khuyến khích cũng như sẵn sàng hỗ trợ và nhiệt tình đóng góp ý kiến cho bạn. Có thể bạn không tin nhưng càng tiếp xúc với những người sống vui vẻ tích cực, giàu năng lượng, bạn sẽ càng trở nên giống họ. Đó là một điều tốt!

 

e. Luôn tập trung và tận hưởng con đường mình đã chọn

Khi đã tìm ra mục tiêu mình muốn hướng tới, hãy tập trung, kiên trì theo đuổi. Đồng thời, bạn cũng nên chú ý sắp xếp sự ưu tiên những điều cần làm để tránh bị đuối sức trên hành trình. Bên cạnh đó, cũng đừng quên ghi chép lại chặng đường đã qua bởi nó sẽ giúp nhắc nhở bản thân mỗi ngày về con đường bạn đang đi, so sánh mình của hiện tại với quá khứ, động viên bản thân trước mỗi thành tựu đạt được.

 

f. Học cách tự giải quyết, không “dựa dẫm” gia đình

Sự bảo bọc, quan tâm, lo lắng của cha mẹ, người thân đối với con cái đặc biệt trong những gia đình á Đông là điều có thể thấy rất rõ. Tình yêu thương ấy cho bạn một cảm giác an toàn tuyệt đối rằng ở bất kì đâu, bất kì lúc nào bạn gặp khó khăn cũng sẽ có cha mẹ ở bên giúp đỡ. Tuy nhiên, thói quen dựa dẫm vào gia đình có thể là nguyên nhân cản trở bạn tiến đến sự độc lập, phát triển bản thân.

 

Bạn đừng quên, nội tại của mình mạnh mẽ hơn bạn nghĩ rất nhiều. Tin tưởng vào bản thân chính là chiếc áo giáp vô hình giúp bạn đứng vững trong giai đoạn khủng hoảng, dù bất kì khó khăn nào cũng khó mà quật ngã được bạn. Có thể bây giờ bạn chưa sẵn sàng, nhưng rồi sẽ đến một lúc khi gia đình mở lời giúp đỡ, bạn sẽ mạnh mẽ nói với phụ huynh rằng “Con có thể tự lo được, bố mẹ hãy yên tâm nhé!”.

 

3. Lời kết

Khủng hoảng tuổi 25 là giai đoạn đánh dấu một sự chuyển mình quan trọng, một bước tiến mới trên hành trình trưởng thành của bạn. Một phần hạnh phúc phụ thuộc vào cách bạn lựa chọn và hành động trong giai đoạn này. Bạn phải làm chủ và tự viết nên câu chuyện của chính mình, bởi chỉ có bạn mới hiểu bản thân mình là ai và thật sự muốn gì.