đậu nành, lợi ích của đậu nành, ăn khỏe sống lâu
Blog Nhịp Sống Khỏe

Để ăn khỏe sống lâu, đừng bỏ quên hạt đậu nành

Sau đại dịch, các chế độ ăn giàu thực vật, eat clean tốt cho sức khóe ngày càng “lên ngôi”. Theo xu hướng đó, các loại hạt tốt cho sức khỏe càng được “ưu ái” hơn nữa nhờ khả năng hỗ trợ tăng cường sức khỏe và sức đề kháng. Một số hạt nổi bật có thể kể đến như hạnh nhân, mắc ca, óc chó, hồ trăn… Thế nhưng, còn có một loại hạt tuy nhỏ bé nhưng lợi ích không hề thua kém, lại rất quen thuộc với chúng ta: hạt đậu nành. Vậy đậu nành mang đến những giá trị tuyệt vời nào để xứng đáng được xứng tên cùng các loại “siêu hạt” khác?

Nguồn dinh dưỡng lành dồi dào

Đối với những người theo chế độ ăn thuần chay, đậu nành là nguồn dinh dưỡng không thể bỏ qua nhờ hàm lượng protein cao khoảng 34% và chứa các loại axit amin thiết yếu. Chất lượng protein trong đậu nành tương đương với sữa, thịt bò và trứng. Đậu nành còn chứa nhiều vi chất như vitamin B, E, K, cùng với canxi, kali, sắt, kẽm, phốt pho... Nhờ vậy, cơ thể sẽ được đảm bảo có đầy đủ dưỡng chất.

Bên cạnh đó, đậu nành còn giàu hoạt chất thực vật isoflavone giúp tăng sức đề kháng. Hoạt chất này còn bảo vệ các tế bào của cơ thể không bị tổn thương trước các tác nhân oxy hóa, giữ làn da căng mịn, chống bốc hỏa, ổn định huyết áp và dự phòng một số bệnh mạn tính không lây như tim mạch, mỡ máu, rối loạn lipid…

Đối với những chị em phụ nữ muốn duy trì sắc đẹp, đậu nành sẽ là thực phẩm tuyệt vời nhờ chứa một lượng lớn phytoestrogen có tác dụng tương tự hormone estrogen giúp vòng một của phái đẹp được cải thiện tự nhiên. Ngoài ra, các axit béo không bão hòa đơn trong sữa đậu nành có tác dụng ức chế sự hấp thu chất béo của đường ruột, giúp giữ vóc dáng thon gọn.

Thân thiện với người dùng

Hạt “bình dân” đậu nành từ lâu đã không còn xa lạ trong các bữa ăn của chúng ta. Với giá thành hợp lý, dễ tìm mua ở các siêu thị hay chợ, đậu nành và chế phẩm từ đậu nành có thể góp mặt trong thực đơn bằng nhiều hình thức đa dạng như salad đậu hũ, nước tương, đậu nành luộc, tàu hủ ky (váng đậu)... Khi chế biến món ăn, dầu đậu nành cũng được các chuyên gia khuyên dùng để hạn chế cholesterol, và tốt cho tim mạch.

Một thức uống quen thuộc dễ chiều lòng nhiều thế hệ người Việt không thể không nhắc đến chính là sữa đậu nành. Từ sữa đậu nành, chúng ta có thể biến tấu thêm nhiều món ngon như sinh tố, kem, đậu hũ nước đường (tào phớ), bánh pudding…

Thân thiện với môi trường

Tuy là loại hạt nhỏ bé nhưng đậu nành được xem là thực phẩm của tương lai vì nằm trong số ít các loại hạt có protein chất lượng cao, canxi nhiều nhất trong họ đậu, đáp ứng nhu cầu lương thực của dân số thế giới được dự đoán sẽ tăng lên tới 9 tỉ người trong vòng 40 năm tới.

Việc phát triển các vùng trồng đậu nành được chứng minh có hiệu quả trong việc cải tạo đất nông nghiệp nhờ quá trình cố định đạm thông qua hoạt động ni-tơ hóa của vi khuẩn Rhizobium cộng sinh trên rễ cây đậu nành.

Những lưu ý nhỏ khi sử dụng đậu nành

Đậu nành và thực phẩm từ đậu nành là nguồn bổ sung dinh dưỡng lành mạnh có thể dùng hàng ngày, trừ trường hợp bị dị ứng với đậu nành. Tùy theo nhu cầu và tình trạng sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng của cơ thể mà chúng ta chọn hàm lượng và loại thực phẩm phù hợp. Dựa trên các nghiên cứu, lượng protein đậu nành mỗi ngày người trưởng thành được khuyên dùng là 15 – 25 gram hoặc 2 – 4 phần thực phẩm đậu nành.

Đối với những thực phẩm khác chẳng hạn như sữa đậu nành, độ tuổi từ 8 đến 19 tuổi mỗi ngày nên dùng khoảng 500 ml đến 600 ml. Còn đối với những người trong độ tuổi từ 20 đến trên 70, mỗi ngày nên uống khoảng 300 ml đến 400 ml để đảm bảo đủ dinh dưỡng và lượng nước cơ thể cần.