Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Bạn đã hiểu đúng về detox?

Đã bao giờ bạn bắt gặp hình ảnh đồng nghiệp mang rất nhiều chai nước trái cây đủ màu sắc đi làm và họ không ăn gì mà chỉ uống các loại nước đó từ đầu đến cuối giờ làm? Nếu bạn nghĩ họ đang ăn kiêng để giảm cân thì chỉ mới đúng một phần thôi. Điều họ thật sự đang làm là giải độc cho cơ thể hay còn được biết đến với cái tên detox. Cùng Prudential tìm hiểu xem bản chất của detox là gì, lợi-hại của việc này ra sao cũng như các phương pháp phổ biến để giải độc cơ thể nhé!

Detox là gì?

Detox là cách gọi ngắn gọn của từ detoxification, theo y khoa được hiểu là cách sử dụng các loại thuốc và sinh lý học để loại bỏ những độc tố trong cơ thể như thủy ngân, chì, những chất gây nghiện... Hiện nay, từ “detox” được sử dụng rộng rãi và hiểu một cách đơn giản là các phương pháp giải độc cho cơ thể.

Sẽ có bạn thắc mắc rằng trong cơ thể chúng ta đã sẵn có những cơ quan giúp đào thải chất độc như gan, phổi và thận, vậy sao còn phải thực hiện các phương pháp giải độc nữa? Quả đúng là chúng ta đã có các cơ quan có khả năng tự loại bỏ hay trung hoà độc tố bên trong. Tuy nhiên, khi mà bạn đang phải sinh hoạt trong môi trường sống bị ô nhiễm và sử dụng thực phẩm không rõ mức độ an toàn thì các cơ quan có thể bị quá tải và sẽ giảm độ hiệu quả. Chính vì vậy, việc tìm kiếm những phương pháp detox phù hợp là thật sự cần thiết để duy trì cơ thể khoẻ mạnh.

Các phương pháp detox thông dụng

Phổ biến nhất hiện nay là phương pháp detox bằng các chế độ ăn uống giải độc như nhịn ăn thực phẩm chế biến trong thời gian (1 tuần hoặc nhiều hơn) và chuyển sang uống nhiều nước, ăn và uống nhiều rau quả kết hợp với các hợp chất bổ sung nhằm giúp đi tiêu thật nhiều với hy vọng làm sạch ruột.

Sau khi áp dụng các phương pháp detox này, đa số chúng ta có cảm giác khỏe hơn, tinh thần tập trung hơn. Tuy nhiên, những độc tố nào được thải ra sau những lần detox như vậy vẫn chưa được khoa học thật sự xác nhận. Sở dĩ bạn cảm thấy khỏe hơn sau detox là do cơ thể không phải xử lý các thức ăn nhiều chất béo, được chế biến phức tạp và chứa nhiều chất bảo quản. Bên cạnh đó, rau quả và trái cây được nạp vào nhiều hơn thường lệ cung cấp lượng lớn vitamin bổ ích.

Mặt trái của phương pháp này là khi ép cơ thể không ăn uống đầy đủ các thành phần đạm, tinh bột trong một thời gian dài sẽ khiến người ta cảm thấy thèm ăn, mệt mỏi, mất tập trung và dễ cáu gắt. Về lâu dài có thể gây suy nhược cơ thể do thiếu hụt các vitamin và khoáng chất, đồng thời dẫn đến tổn hại cho các cơ quan tiêu hoá như dạ dày và đường ruột.

Các phương pháp giải detox chuyên môn

Ngoài các phương pháp detox bạn có thể tự áp dụng ở trên, hầu hết những phương pháp detox khác như giải độc gan, ruột, giải độc qua đường máu, giải độc bằng phương pháp phong tỏa kim loại (chelation) cần được thực hiện dưới sự giám sát và hướng dẫn của bác sĩ.

Trong các phương pháp giải độc tố, giải độc tố ở gan được quan tâm nhiều nhất. Đây là một trong những bước đầu tiên và quan trọng hàng đầu vì hầu hết các quá trình giải độc cơ thể diễn ra nhiều nhất ở gan. Tuy nhiên, thực trạng đáng lo ngại hiện nay là nhiều người truyền nhau những “bí kíp” dược phẩm giải độc gan tràn lan trên mạng, không theo hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ. Điều này có thể dẫn đến việc giải độc không hiệu quả, hoặc tệ hơn là ảnh hưởng đến các cơ quan, gây ngộ độc và biến chứng do thuốc.

Vậy khi nào ta nên detox?

Thật ra cơ thể bạn luôn có cách để thông báo đến bạn các biểu hiện của việc nhiễm độc. Hãy chú tâm để ý các biểu hiện này hơn, đồng thời nên hình thành thói quen kiểm tra sức khoẻ tổng quát định kỳ mỗi năm một lần. Bằng những cách này, bạn sẽ có phát hiện kịp thời khi cơ thể có những dấu hiệu bị làm việc quá tải và có biện pháp xử lý kịp thời là nên hay không nên áp dụng các biện pháp detox.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Xét cho cùng thì các phương pháp detox, chuyên môn hay thông thường, cũng chỉ là quá trình "chữa bệnh" cho những gì mà chúng ta nạp vào cơ thể. Thông điệp mà Prudential muốn gởi đến bạn là làm thế nào hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh để "phòng bệnh hơn chữa bệnh". 

  • Đầu tiên, thay thế thực phẩm qua xử lý và thức ăn nhanh bằng trái cây và rau củ hữu cơ. Rau có màu xanh đậm, củ quả có màu sắc sặc sỡ như cà rốt, cà chua, mâm xôi, việt quất… Nói không với mỡ và ngũ tạng động vật. Điều chỉnh lượng tinh bột dung nạp phù hợp ở từng độ tuổi.
  • Tập thể dục và thiền là cách khá hiệu quả để có một cơ thể khoẻ mạnh. Tập thể dục giúp bạn thải độc tố ra ngoài theo đường mồ hôi. Theo tờ Journal of Environment and Public Health năm 2012 chỉ ra rằng người ta tìm thấy thạch tín, chì và thuỷ ngân trong mồ hôi. Bên cạnh đó, thiền giúp bạn thanh tịnh đầu óc và giảm căng thẳng. Căng thẳng cũng có hại cho sức khoẻ của bạn như là hoá chất vậy.
  • Tuy không thể kiểm soát được môi trường bên ngoài nhưng bạn có thể đảm bảo mình có một môi trường trong lành tại nhà. Khói thuốc, nấm mốc, vi khuẩn là những độc tố làm ảnh hưởng không khí trong nhà. Giải pháp ở đây là lắp đặt các thiết bị khử mùi, lọc không khí để bạn luôn được hít thở bầu không khí trong lành, giàu oxy tại gia.

 

>>> Xem thêm: