thanh lọc cơ thể, detox, dinh dưỡng, prudential
Blog Nhịp Sống Khỏe

Thanh lọc cơ thể đón năm mới đầy sức sống

Nhân dịp đầu xuân 2022, hãy cùng Prudential tìm hiểu những phương pháp ăn uống thanh lọc cơ thể phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay, để có thể chọn ra phương pháp phù hợp với chính mình, “F5” cơ thể để sẵn sàng đón nhận năm mới đầy sức sống bạn nhé.

Thanh lọc cơ thể theo liệu trình ngắn ngày

Hiệu quả nhanh và không yêu cầu kỷ luật nghiêm ngặt trong thời gian dài chính là lý do khiến nhiều người lựa chọn một chế độ thanh lọc cơ thể với liệu trình ngắn ngày. Một số liệu trình đơn giản, phổ biến mà chúng ta có thể áp dụng bao gồm:

Juice fasting: Phương pháp thanh lọc cơ thể qua thức uống

Phương pháp này thường được các chị em áp dụng với mục đích giảm cân và làm đẹp da. Trên thực tế, Juice fasting còn được biết đến rộng rãi với khả năng giúp cơ thể loại bỏ các độc tố tích tụ bởi đồ ăn nhanh, đồ uống có cồn, stress… thông qua việc sử dụng các loại nước ép trái cây và gần như không ăn bất cứ thực phẩm rắn nào. Sau một liệu trình Juice fasting từ 5-7 ngày, chúng ta sẽ nhận thấy cơ thể giảm được kha khá mỡ thừa, đồng thời da sáng và mịn màng hơn.

Tuy nhiên, Juice fasting cũng có thể mang tới một số tác dụng phụ như mệt mỏi, uể oải hay rối loạn tiêu hóa. Do đó, lời khuyên từ các chuyên gia là không nên áp dụng phương pháp này một cách máy móc hay thực hiện trong thời gian quá dài.

Mono fruit diet: Phương pháp thanh lọc cơ thể với trái cây

Mono fruit diet là một liệu trình thanh lọc cơ thể bằng trái cây, thường chỉ kéo dài 2 – 3 ngày. Nguyên tắc cơ bản của của mono fruit diet là chỉ ăn một loại trái cây duy nhất và gần như không sử dụng bất kì thực phẩm, đồ uống nào ngoài nước lọc. Ưu điểm của phương pháp này là chúng ta có thể sử dụng bất cứ loại quả nào yêu thích với số lượng tùy ý. Để hạn chế tình trạng mệt mỏi do thiếu hụt năng lượng, chúng ta chỉ nên áp dụng phương pháp Mono fruit diet vào những ngày nghỉ cuối tuần.

Diuretic diet: Phương pháp thanh lọc lợi tiểu

Đi tiểu chính là một cơ chế thải độc tự nhiên của cơ thể. Dựa trên cơ sở đó, phương pháp Diuretic Diet được xây dựng nhằm hỗ trợ hệ thống bài tiết tăng cường khả năng loại bỏ chất độc hại trong cơ thể.

Diuretic Diet yêu cầu chúng ta phải uống thật nhiều nước, nạp nhiều rau và hoa quả, đặc biệt là các loại có tính lợi tiểu cao như: cần tây, mùi tây, măng tây, atiso, cải xoong… Đồng thời, chúng ta cần chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, mỗi bữa chỉ sử dụng một lượng rất ít tinh bột (bánh mì, cơm, cháo…). Bên cạnh đó, phương pháp này cũng yêu cầu người áp dụng phải kiêng các món ăn nhiều gia vị hay đồ uống có cồn. Phương pháp này được nhiều người lựa chọn vì dễ thực hiện, lại không gây cảm giác mệt mỏi hay thiếu năng lượng.

Thanh lọc cơ thể theo liệu trình dài ngày

Trái ngược với 3 phương pháp ở trên, những liệu trình thải độc cơ thể trong thời gian dài lại yêu cầu sự kiên trì và tuân thủ nghiêm ngặt để thấy rõ hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu quả mà các phương pháp này mang đến lại được đánh giá là lâu bền hơn, đồng thời người áp dụng cũng không gặp phải tình trạng mệt mỏi do hao hụt năng lượng như các phương pháp ngắn hạn.

Chế độ Eat Clean: Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, ưu tiên đồ tươi sạch

Đúng như tên gọi, Eat Clean khuyến khích chúng ta duy trì chế độ ăn “sạch” nhất có thể: từ nguyên liệu, thực đơn cho tới cách thức chế biến. Việc “nói không” với thực phẩm chế biến sẵn cũng sẽ giúp ta tránh xa những phụ gia thường thấy như chất bảo quản, phẩm màu… Nhờ vậy, cơ thể được nạp nguồn dinh dưỡng sạch và trọn vẹn nhất, hạn chế tối đa các chất độc hại.

Phương pháp Eat Clean thường sẽ đi kèm với các công thức tính lượng calo mà cơ thể tiêu thụ, từ đó tính toán lượng thực phẩm nạp vào sao cho vừa đủ tùy theo nhu cầu tăng cơ hay giảm mỡ.

Chế độ Plant-based: Sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật

Nhiều nghiên cứu chứng minh, thức ăn có nguồn gốc động vật thường đi kèm các chất có hại cho sức khỏe. Đó chính là lý do chế độ ăn Plant-based ra đời, nhằm khuyến khích việc sử dụng thực phẩm từ thực vật và các loại ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế tối đa các chế phẩm từ động vật.

Các nhà khoa học xác nhận, việc sử dụng nhiều sản phẩm từ thực vật không những giúp hạn chế các chất có hại, mà còn giúp bổ sung chất xơ. Nhờ đó, chế độ Plant-based giúp giảm nguy cơ bệnh tim cũng như các bệnh liên quan đến hội chứng chuyển hóa, tiểu đường hay một số bệnh ung thư. Chưa kể, phương pháp này còn cải thiện sức khỏe tinh thần và nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể.

Chế độ Raw Vegan: Khuyến khích sử dụng thực phẩm thô chưa qua chế biến

Khác với chế độ Plant-Based, Raw Vegan tập trung vào sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật hữu cơ chưa qua chế biến hoặc được chế biến qua ở nhiệt độ từ 40-48 độ C.

Theo các nhà khoa học, việc ăn sống các loại rau, củ, quả như vậy sẽ giúp cơ thể hấp thu tối đa những dưỡng chất thường bị mất đi qua quá trình chế biến nhiệt thông thường như vitamin C, E cùng rất nhiều chất xơ.

Dù có đôi chút khác biệt, song các phương pháp trên đây đều có điểm chung là mang lại nhiều tác động tích cực lên cơ thể qua việc nạp nguồn dinh dưỡng tốt lành, hạn chế sử dụng các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, bất cứ phương pháp nào cũng có đặc điểm riêng cùng một vài tác dụng phụ. Vì vậy, dù áp dụng bất cứ chế độ nào, chúng ta cũng đừng quên lắng nghe cảm nhận của cơ thể và linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp.

>>> Xem thêm: 5 dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang nhiễm độc tố