Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Giúp con chọn bạn mà chơi như thế nào?

Trong độ tuổi dậy thì, bố mẹ sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc dạy con chọn bạn mà chơi. Bạn thế nào là tốt? chưa tốt? nên chơi? không nên chơi?

Câu chuyện về trẻ tuổi dậy thì luôn là câu chuyện cũ nhưng đầy lôi cuốn. Đây là giai đoạn phát triển tâm sinh lí rất quan trọng của trẻ, là thời điểm sẽ đánh dấu bước chuyển từ thiếu nhi sang thiếu niên - tuổi trưởng thành. Nhận thức của trẻ có sự thay đổi và chuyển biến rõ rệt, tư duy và khả năng nhận thức bản thân đã phát triển hơn. Lứa tuổi này có một vị trí đặc biệt và giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ em, được phản ánh bằng những tên gọi khác nhau như “thời kì quá độ”, “tuổi khó bảo”, “tuổi khủng hoảng”, “tuổi bất trị”,…

Ở giai đoạn này, quan hệ giữa bố mẹ, giáo viên (gọi chung là người lớn) và trẻ “xa cách” hơn so với độ tuổi trước. Sự thay đổi này tạo ra những khó khăn nhất định cho trẻ nhưng nó cũng tạo điều kiện cho sự phát triển, hoàn thiện các quan hệ xã hội khác; trong đó, nổi trội là việc trở nên thân thiết và hay chia sẻ với bạn bè. Dần dần tình bạn chiếm một vị trí rất quan trọng trong tâm hồn của trẻ. Do đó, trẻ dễ cả tin vào bạn bè, dễ bị ảnh hưởng và điều hướng hành vi bởi nhóm bạn. Lúc này, chính bố mẹ sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc dạy con chọn bạn mà chơi. Bạn thế nào là tốt? chưa tốt? nên chơi? không nên chơi?

Cha mẹ là người bạn tốt nhất của con

Trước hết, bố mẹ phải thể hiện cụ thể bằng hành vi và làm con tin rằng: bố mẹ luôn là người bạn tốt nhất và đáng tin tưởng nhất của con, luôn yêu thương con, để con có thể mạnh dạn chia sẻ những tâm tư tình cảm của bản thân với bố mẹ. Bố mẹ cần dành thời gian bên con trẻ nhiều hơn, lắng nghe những tâm sự của con ở trường, những vui buồn về những người bạn, về việc học tập và những chuyện xảy ra trên lớp vì giai đoạn này, vai trò của giáo viên chủ nhiệm sẽ gặp một số hạn chế trong việc kết nối với trẻ, vì thế sẽ không thể biết hết những việc xảy ra ở mỗi tiết học của các em.

Cho con biết thế nào là một người bạn tốt và học cách để trở thành một người bạn tốt

Ngay trên lớp, con cũng đã được nghe nói về tình bạn trong sáng và những người bạn tốt, nhưng thực tế con thường chơi với bạn chỉ vì cảm thấy vui, thích chứ chưa biết cách chọn bạn mà chơi dựa trên sự đánh giá dành cho bạn. Bố mẹ nên kể cho con nghe những câu chuyện đẹp về tình bạn, về một người bạn tốt hay giúp đỡ bạn bè khi gặp khó khăn. Khẳng định với con rằng bạn tốt sẽ hướng dẫn con giải bài mà con chưa hiểu, sẽ nhắc nhở con tập trung khi con lo ra, thấy con buồn sẽ hỏi han tâm sự, khi con đạt điểm cao sẽ chúc mừng con - chứ không phải làm bài giúp con, xui con “bùng nổ” khi không vui, hiềm khích khi con có thành tựu. Bạn tốt, nhất định sẽ không có hành vi bắt nạt hay đe dọa con,…

Bố mẹ hãy cùng với con “phác họa chân dung” về một người bạn tích cực mà mình cần tìm kiếm. Khi “chân dung” ấy hoàn thiện hãy hỏi con về việc “chúng ta có thể tìm thấy người bạn như thế này ở đâu?”. Việc này, bố mẹ cần phải làm ngay từ khi con vẫn còn chưa xem hoạt động giao lưu bè bạn là hoạt động chủ đạo của mình để chuẩn bị cho con sự chủ động trong việc kết giao bè bạn.

>>> Có thể bạn quan tâm: Cha mẹ nên làm gì để thúc đẩy năng lực giao tiếp với bạn bè của trẻ ở độ tuổi tiểu học?

Dạy con chọn bạn mà chơi

Khi trò chuyện cùng con, bố mẹ cần cung cấp những tiêu chuẩn cụ thể để con nhận diện được người bạn tích cực. Hãy bắt đầu từ chính những người bạn mà con đang có:

Vì sao con thích chơi với bạn A hay bạn B

  • Xinh đẹp, dễ thương, lễ phép, hiền lành,…
  • Làm lớp trưởng/lớp phó/học giỏi/hát hay…
  • Làm cho con cảm thấy vui vẻ, thoải mái khi ở bên người bạn đó
  • Tôn trọng ý kiến của con
  • Không trêu, bắt nạt chọc con
  • Không nói xấu sau lưng con
  • Không xúi giục con làm việc xấu
  • Giúp đỡ để con tiến bộ hơn…

 

Vậy lý do gì con không thích chơi với bạn C hay bạn D?

  • Không tôn trọng con, nói chuyện không hòa nhã với con
  • Không xinh đẹp, không dễ thương
  • Hay đi học trễ, lười biếng, thường bị cô la, điểm kém,…
  • Bắt nạt các bạn hiền lành trong lớp
  • Thường xuyên gây mất trật tự, học tập không nghiêm túc
  • Nói xấu bạn bè sau lưng
  • Ăn cắp hay tự tiện lấy đồ dùng học tập của bạn khác

 

Từ những câu trả lời của con, bố mẹ sẽ chỉ ra cho con biết con đã có người bạn tốt thực sự hay chưa. Với những người bạn con không thích chơi, không hẳn các bạn là xấu tính, mà có thể do sự không tương thích các giá trị giữa hai bên. Lúc này, bố mẹ đồng thời có thể nói với con về chấp nhận người khác, chấp nhận sự khác biệt và đa dạng về con người xung quanh.

Dạy con cách duy trì tình bạn

Những người bạn tốt là một phần quan trọng trong cuộc sống của con trẻ. Đặc biệt là lứa tuổi dậy thì, con bắt đầu xây dựng nhiều mối quan hệ bạn bè và trở nên coi trọng tình bạn, có nhiều chuyện con sẽ chia sẻ với bạn bè mà không chia sẻ với bố mẹ. Do đó, con rất dễ buồn, thậm chí là tổn thương khi mất đi một người bạn. Nên nói cho con biết rằng, con cũng chưa thực sự hoàn hảo nên đừng đòi hỏi sự hoàn hảo từ một người khác, đừng trách móc hay buồn nếu bạn chưa quan tâm con mà hãy chủ động chia sẻ với bạn khi con cảm thấy không vui. Bố mẹ có thể cho con mời bạn bè về nhà chơi để tìm hiểu về bạn của con, chỉ cho con biết những ưu điểm của bạn, một số hạn chế nhưng không là khuyết điểm của bạn và đừng quá quan trọng điều đó trong tình bạn như: ngoại hình không đẹp, học không giỏi bằng bạn khác, gia cảnh khó khăn,… Tình bạn chân thành xuất phát từ sự tôn trọng, cảm thông, chia sẻ lẫn nhau giữa con và bạn.

Đừng quên nhắc nhở trẻ thường xuyên: muốn có một người bạn tốt thì trước tiên con cũng phải học cách để trở thành một người bạn tốt. Đặc biệt đối với các bạn khiếm khuyết, khuyết tật, không được cười nhạo, chọc quê mà cần phải đồng cảm, chia sẻ nhiều hơn vì bản thân bạn đã chịu thiệt thòi.

>>> Xem thêm: