Hội chứng sợ “bỏ lỡ” trong xã hội hiện đại
Blog Nhịp Sống Khỏe

Hội chứng sợ “bỏ lỡ” trong xã hội hiện đại

Nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) ngày càng phổ biến ở giới trẻ và đây chính là hệ quả của của sự bùng nổ Internet, đặc biệt là mạng xã hội. Trong bài viết này, hãy cùng Prudential tìm hiểu sâu hơn về FOMO cũng như cách tránh bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ này nhé!

 

FOMO là gì?

FOMO (viết tắt của cụm từ Fear Of Missing Out), được tạm dịch là “Hội chứng sợ bỏ lỡ”. Như tên gọi của nó, đây là hội chứng sợ bản thân bị bỏ lỡ mất những điều thú vị, hay ho trong cuộc sống mà người khác đang được trải nghiệm. Cụm từ này được đưa vào từ điển Oxford năm 2013 và đã trở nên rất phổ biến từ đó. Thực tế, theo một nghiên cứu năm 2012 của J.Walter Thompson, 70% người thuộc thế hệ Millennials đã và đang bị ảnh hưởng bởi hội chứng FOMO.

 

"Khi rơi vào nỗi sợ bỏ lỡ, bạn đang là một hành tinh xoay quanh hệ mặt trời của người khác thay vì là trung tâm của cuộc đời mình" - J.Walter Thompson. Một người dưới sự ảnh hưởng của FOMO luôn tỏ ra bực tức, hối hận, ganh tị, lo lắng và bất mãn; họ cảm thấy cuộc sống này chưa bao giờ là đủ và luôn khao khát cái gì đó nhiều hơn. Chính những suy nghĩ và cảm xúc này làm họ mất đi tự tin, năng lượng và phong độ vốn có của mình. Có thể nói, FOMO chính là một rào cản hạnh phúc.

Ảnh hưởng của FOMO

Mặc dù còn khá mơ hồ nhưng FOMO có thể gây ra những ảnh hưởng rất dễ quan sát được. Và nếu chú ý kỹ, không khó để bắt gặp FOMO ở mọi lúc mọi nơi.

1. Trạng thái luôn “dán mắt” vào điện thoại

Ngay cả khi lái xe, nấu ăn, ăn cơm hay làm bất cứ việc gì, nhiều người vẫn không muốn bỏ lỡ bất kỳ những cập nhật nào trên mạng xã hội. Họ luôn “dán mắt” vào màn hình điện thoại để chờ đợi bài đăng hay một thông báo mới, xu hướng mới nào đó.

2. Mất tập trung trong quá trình làm việc

FOMO có thể sẽ khiến cho nhiều người liên tục mất tập trung hoặc ngừng công việc để kiểm tra thông báo, tin nhắn hay email không liên quan, hay không quá quan trọng. Dĩ nhiên, việc này sẽ khiến họ khó hoàn thành tốt công việc.

3. Mua sắm vô tội vạ

Một dấu hiệu nữa của FOMO đó là thường xuyên mua sắm “vô tội vạ”. Nguyên do là họ sợ bỏ lỡ một sản phẩm mới có nhiều cải tiến hơn, mẫu mã bắt mắt hơn cho dù sản phẩm hiện tại vẫn còn sử dụng được. Theo đó, cảm giác muốn mua ngay những sản phẩm thời thượng hay xu hướng được xem là dấu hiệu rõ ràng của hội chứng FOMO.

Song, việc chạy theo xu hướng chỉ mang tới “niềm vui” ngắn hạn. Về lâu dài, bạn sẽ nhận ra mình chẳng còn một khoản để dành nào cho những việc quan trọng khác như sức khoẻ, mua nhà hay đầu tư.

4. Bỏ lỡ những điều quan trọng trong cuộc sống

Mạng xã hội hay điện thoại có thể chen ngang vào cuộc họp công ty hay thậm chí là cả buổi hẹn hò lãng mạn của bạn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng FOMO khiến cho chúng ta giảm dần sự thỏa mãn với cuộc sống thực tại, thay vào đó ta chỉ tìm kiếm sự thỏa mãn đó qua các hoạt động trên các nền tảng xã hội. Bên cạnh đó, FOMO còn khiến một số người không để tâm nhiều đến mối quan hệ hay sự nghiệp của mình, mà chỉ muốn 24/7 cập nhật những gì mọi người đăng trên mạng xã hội.

 

5. Có quá nhiều mối quan hệ không quan trọng

Thật ra, việc mở rộng mối quan hệ là điều cần thiết trong quá trình hội nhập và phát triển bản thân. Thế nhưng, bạn chỉ nên tập trung vào mối quan hệ chất lượng thay vì chấp nhận hàng loạt yêu cầu kết bạn hay bỏ công sức vào quá nhiều mối quan hệ không quan trọng chỉ để làm vui lòng người khác.

6. Hẹn hò chỉ để giống mọi người

Một số người có thể hẹn hò chỉ để cho giống với những người xung quanh chứ không hẳn vì bản thân họ mong muốn. Khi thấy mọi người xung quanh đều đang hạnh phúc trong mối quan hệ của họ, thì FOMO sẽ khiến cho nhiều người vội vàng đi tìm ngay cho mình một đối tượng. Tuy vậy, những quyết định hấp tấp, không thấu đáo như vậy không những khiến mối quan hệ không được lâu bền mà còn làm cho người trong cuộc bị tổn thương.

 

Làm sao để kiểm soát hay làm giảm ảnh hưởng của FOMO? 

  • Tránh phương tiện truyền thông

Cách đầu tiên mà bạn có thể thực hiện ngay đó là giảm thiểu tần suất bạn dành cho các thiết bị điện tử, cho mạng xã hội. Khi dành càng ít thời gian cho phương tiện truyền thông, chúng ta sẽ càng cảm thấy mình ít phụ thuộc vào những phương tiện này. Tuy ban đầu, bạn sẽ khá khó chịu và bồn chồn khi không được cập nhật tin tức thường xuyên, nhưng cảm giác này sẽ qua đi rất nhanh một khi bạn hình thành kỷ luật của riêng mình.

 

  • Tìm thấy niềm vui ngay cả khi “bỏ lỡ”

Chúng ta sẽ càng hạnh phúc hơn nếu làm những gì mình thích thay vì mải theo dõi cuộc sống của người khác. Có rất nhiều cách để bạn tự tạo niềm vui cho bản thân, ví dụ như đọc sách, dắt thú cưng đi dạo, làm vườn, nấu ăn,... Khi đời sống tinh thần của bạn vững mạnh, đủ đầy, cảm xúc của bạn sẽ chẳng bị phụ thuộc bởi bất cứ yếu tố nào.

 

  • Tận hưởng giây phút hiện tại

Việc chú tâm và tận hưởng những gì chúng ta đang có sẽ giúp trân trọng khoảnh khắc hiện tại thay vì ước ao bản thân được trải nghiệm một điều gì khác.

Hãy dành hết sự tập trung vào những thứ ta đang làm, những người quan trọng mà ta yêu thương. Theo đó, khi đã tập trung tận hưởng niềm vui hiện tại, chúng ta sẽ không còn quan tâm quá nhiều đến những gì đang diễn ra trong cuộc sống của người khác.

 

  • Đặt ra thứ tự ưu tiên

Mỗi người đều có những ưu tiên, những mối bận tâm khác nhau trong cuộc sống. Khi không xác định rõ ràng, chúng ta sẽ dễ tập trung vào những việc không quan trọng mà bỏ qua nhiều cơ hội lớn. Ngược lại, khi suy nghĩ kĩ lưỡng và sắp xếp được thứ tự ưu tiên của các vấn đề, chúng ta sẽ không còn quan tâm tới cuộc sống của người khác. Từ đó, thời gian quý báu của bản thân sẽ được dành cho những việc quan trọng hơn, giúp ta có được trải nghiệm vui vẻ, thú vị hơn trong cuộc sống.

 

  • Tạo ra những kết nối thật sự

Sự tiện lợi của mạng xã hội khiến bạn “lười” hơn trong các kết nối thật ngoài đời. Thay vì chờ đợi sự tương tác, trầm trồ mang tính “xã giao” của những người bạn “ảo”, hãy lên kế hoạch cho những cuộc hẹn với bạn bè, gia đình, hay tham gia vào các hoạt động yêu thích của bản thân. Việc này sẽ giúp tạo ra kết nối tinh thần và giúp bạn tập trung vào các giá trị quan trọng trong cuộc sống hơn.

 

  • Tập tính biết ơn

Thay vì chìm sâu trong sự tiêu cực mà FOMO mang lại, hãy đối diện với nghịch cảnh và tập biết ơn những gì chúng ta đang có. Chẳng hạn , bạn cảm thấy biết ơn vì những mối quan hệ tốt đẹp đang hiện hữu, những người thân yêu luôn giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn; biết ơn vì sau đại dịch, bạn vẫn còn sức khỏe, còn công việc tốt để trang trải cuộc sống, và điều đó đã là may mắn hơn rất nhiều người ngoài kia. Khi học được cách biết ơn, chúng ta sẽ tránh được tâm lý tiêu cực từ hội chứng FOMO và trở nên hạnh phúc hơn cũng như cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống của mình.

Lời kết

Bạn biết không, mỗi người trong chúng ta, ai cũng có cuộc sống riêng, ước mơ riêng đầy thú vị, vậy thì tại sao ta phải bỏ cả thanh xuân để theo đuổi và dõi theo cuộc sống của người khác? Hãy tập trung vào những điều thật sự giá trị và ý nghĩa để không chỉ vượt qua được FOMO, mà cuộc sống của bạn sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.