workaholic, tín đồ công việc, làm việc hiệu quả
Blog Nhịp Sống Khỏe

Liệu chúng ta có đang là những tín đồ cuồng công việc?

Rất khó để biết khi nào cần lùi một bước khỏi công việc. Đặc biệt khi Covid-19 khiến kinh tế trở nên khó khăn, chúng ta sẽ có xu hướng “cày cuốc” để gia tăng thu nhập, hoặc ít nhất là giữ vững vị trí hiện tại. Chăm chỉ làm việc là tốt, nhưng “nghiện việc” đến mức vắt kiệt thể chất và tinh thần lại là “con dao hai lưỡi” cho chính mỗi người.

Cortney Edmonson chia sẻ, cô không nghĩ rằng làm việc 70 – 80 giờ một tuần là vấn đề lớn cho đến khi nhận ra cô không có cuộc sống cá nhân ngoài công việc. “Thời gian của tôi dành cho bạn bè chủ yếu là uống rượu để giải tỏa căng thẳng”, cô cho biết thêm.

Trong vòng ba năm đầu tiên phát triển sự nghiệp, Edmondson đã mắc chứng mất ngủ trầm trọng. Cô chỉ ngủ khoảng 8 giờ/tuần, và hầu hết đó là khoảng thời gian sau khi cô tạm xử lý xong công việc vào ngày thứ sáu. Cứ thế, cô cảm thấy kiệt sức chỉ vì đang cố chứng minh nỗ lực của bản thân hay theo đuổi các mục tiêu không thực tế.

Nếu chúng ta cảm thấy bản thân đâu đó trong câu chuyện của Edmondson, đã đến lúc bản thân nên nhìn lại các thói quen làm việc cũng như cách chúng ảnh hưởng đến cuộc sống.

Làm thế nào để nhận ra bạn là một tín đồ cuồng việc?

“Nghiện việc” hay “Workaholic” là cụm từ thường được sử dụng để nhắc đến những người làm việc liên tiếp nhiều giờ liền một cách không cần thiết, hay thường xuyên bị ám ảnh với hiệu suất công việc.

Mặc dù những người nghiện việc có thể chọn cách vùi đầu vào công việc như một lối thoát để giải quyết các vấn đề cá nhân, nhưng điều này cũng là “con dao hai lưỡi” khi ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ, cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần.

Theo tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Carla Marie Manly, nếu bạn hoặc những người thân yêu cảm thấy công việc đang ngốn phần lớn cuộc sống cá nhân, thì có khả năng bạn hoặc họ đang ở trong trạng thái nghiện việc.

Để xác định rõ ràng một người có đang gặp tình trạng “tham công tiếc việc” hay không, các nhà tâm lý học đã nghiên cứu và chỉ ra một số dấu hiệu nhất định:

  • Bạn thường xuyên mang công việc về nhà.

  • Bạn thường xuyên ở lại văn phòng đến tối muộn.

  • Bạn liên tục kiểm tra hộp mail hay tin nhắn ngay cả khi ở nhà.

 

Ngoài ra, Manly cho biết nếu thời gian dành cho gia đình, tập thể dụcăn uống lành mạnh hay cuộc sống xã hội của bạn bắt đầu bị ảnh hưởng do lịch trình làm việc dày đặc, thì tin không vui là bạn đang có xu hướng trở thành một tín đồ cuồng việc.

Các nhà nghiên cứu cũng quan tâm đến việc tìm hiểu thêm về chứng nghiện công việc. Do vậy, họ đã phát triển một công cụ đo lường mức độ nghiện việc: Thang điểm nghiện việc Bergen. Cụ thể, thang đo này sẽ xem xét bảy tiêu chí cơ bản để xác định hội chứng nghiện việc:

  • Bạn nghĩ cách tạo thêm nhiều thời gian để làm việc.

  • Bạn dành nhiều thời gian hơn để làm việc so với dự định ban đầu.

  • Bạn làm việc để giảm bớt cảm giác tội lỗi, lo lắng, bất lực và trầm cảm.

  • Bạn bỏ ngoài tai những lời khuyên nên nghỉ ngơi, cắt giảm thời gian làm việc từ người thân và bạn bè.

  • Bạn cảm thấy bồn chồn và căng thẳng nếu không được làm việc.

  • Bạn từ bỏ các sở thích, hoạt động giải trí cá nhân hay tập thể dục chỉ để tập trung cho công việc.

  • Sức khỏe của bạn dần tệ đi cũng chỉ vì công việc.

 

Nếu bạn trả lời “thường xuyên” hoặc “luôn luôn” cho ít nhất bốn trong số bảy mục trên thì có thể bạn đã mắc hội chứng nghiện việc.

Tại sao phụ nữ có nhiều nguy cơ gặp phải tình trạng nghiện việc hơn?

Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ có xu hướng nghiện làm việc nhiều hơn và sức khỏe của họ dường như cũng gặp nhiều rủi ro hơn.

Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ làm việc hơn 45 giờ/ tuần có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Tỷ lệ này giảm đáng kể đối với những phụ nữ làm việc dưới 40 giờ/ tuần. Trong khi đó, nam giới lại không phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường khi làm việc nhiều giờ hơn.

Nhà tâm lý học Tony Tan giải thích: “Phụ nữ có xu hướng phải chịu mức độ căng thẳng, lo lắng và trầm cảm liên quan đến công việc cao hơn đáng kể so với nam giới. Áp lực công việc còn gia tăng khi một số chị em phải hứng chịu những cư xử phân biệt giới tính tại công sở, hay gánh trên vai trách nhiệm gia đình”.

Phụ nữ cũng thường xuyên phải đối mặt với những áp lực nặng nề khác tại nơi làm việc khi cảm thấy:

  • Họ phải làm việc chăm chỉ gấp đôi để chứng tỏ khả năng như các đồng nghiệp nam.

  • Không được đánh giá cao (hoặc không được thăng chức).

  • Mức lương không công bằng.

  • Không được người quản lý hỗ trợ.

  • Mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.

  • Không được làm sai dù là bất cứ việc gì.

 

Dần dần, tất cả áp lực gia tăng này khiến phụ nữ cảm thấy hoàn toàn kiệt sức.

Danh sách của một người nghiện việc sẽ bao gồm những gì?

Yasmine S.Ali, MD – chủ tịch của Nashville Prevention Cardiology, tác giả của một cuốn sách về sức khỏe tại nơi làm việc đã đặt ra bảng câu hỏi (với các câu trả lời định sẵn) để xác định một người có đang nghiện việc hay không. Theo đó, một người nghiện việc thường bao gồm các hành vi sau:

  • Khi không làm việc, họ sẽ cố gắng ngủ một giấc, bởi họ đã quá cạn kiệt năng lượng để làm bất cứ việc gì khác.

  • Họ sẵn sàng để được liên lạc khi làm việc (email, điện thoại, tin nhắn) bất kể giờ nào trong ngày. Thậm chí họ giữ thói quen kiểm tra điện thoại vào nửa đêm để chắc chắn rằng không một việc khẩn cấp nào liên quan đến công việc bị bỏ lỡ.

  • Việc ăn trưa cũng trở nên khó khăn khi họ chỉ có thể ăn trưa tại bàn, trước máy tính hoặc quên hoàn toàn việc ăn trưa.

  • Họ thường xuyên làm việc hơn 40 giờ/ tuần.

  • Khi không có mặt tại nơi làm việc, họ luôn cảm thấy căng thẳng và đứng ngồi không yên.

 

Bí quyết giúp bạn điều chỉnh chứng nghiện việc

Để lùi lại một bước trong công việc là điều khó khăn. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn và hỗ trợ phù hợp, bạn có thể giảm thiểu tác động tiêu cực và thay đổi thói quen tham công tiếc việc của mình.

Theo Manly, một trong những bước đầu tiên giúp bạn điều chỉnh là nhìn nhận khách quan về nhu cầu và mục tiêu cuộc sống của bản thân. Dành thời gian để tìm kiếm những điều hay những nơi có thể giúp bạn giảm bớt công việc sẽ tạo ra sự cân bằng tốt hơn.

Bạn cũng có thể tự kiểm tra tình hình thực tế. Manly chia sẻ: “Nếu công việc ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống gia đình, tình bạn hoặc sức khỏe bản thân, hãy nhớ rằng không có số tiền hay lợi ích nghề nghiệp nào đáng để bạn phải hy sinh các mối quan hệ thiết yếu hoặc chính sức khỏe tương lai của bạn”.

Dành thời gian cho bản thân cũng rất quan trọng. Hãy thử dành ra 15 – 30 phút mỗi tối để thư giãn, suy ngẫm, thiền hoặc đọc sách.

Cuối cùng, hãy cân nhắc việc tham dự vào một cuộc họp của “những người nghiện việc ẩn danh”. Đây sẽ là nơi để bạn chia sẻ với những người đang phải đối mặt vấn đề như chính bạn.

Trong trường hợp bạn nhận thấy hội chứng nghiện việc đang vắt kiệt thể chất và tinh thần, nhưng lại không tìm ra được phương thức phục hồi năng lượng cho bản thân, hãy sắp xếp một cuộc hẹn với bác sĩ trị liệu. Các chuyên gia sẽ giúp bạn đánh giá khuynh hướng làm việc quá sức, từ đó phát triển kế hoạch điều trị phù hợp cho bạn.

Nghiện việc có thể giúp bạn gia tăng thu nhập (nhất là sau những khó khăn do COVID-19 gây ra), thăng tiến trong công việc, nhưng đồng thời cũng lấy đi của bạn nhiều thứ quý giá. Đó có thể là sức khỏe, các mối quan hệ cá nhân, niềm vui thú với cuộc sống. Kết quả, bạn dần trở nên cô độc trong chính thế giới công việc mà bạn đã dày công xây nên.

Trong khi đó, một cuộc sống cân bằng sẽ giúp bạn vui vẻ, ngập tràn năng lượng, tự tin, khỏe khoắn hơn, nhờ vậy mà kích thích óc sáng tạo, nâng cao hiệu suất công việc. Thế nên thay vì tham công tiếc việc, bạn đừng ngần ngại sẻ chia phần việc với đồng nghiệp xung quanh, dành thêm thời gian cho bản thân để hướng tới một tương lai khỏe mạnh và căng tràn sức sống.

>>> Xem thêm: Đừng quên rằng hãy yêu quý bản thân mình trước tiên nhé!