Tặng quà Tết nên chú trọng vào “của cho” hay “cách cho"?
Tết đến xuân về chính là lúc mọi người gác hết bộn bề công việc, quây quần tề tựu và trao cho nhau những món quà thật ý nghĩa để thể hiện sự yêu thương, trân quý. Nhưng chọn quà Tết như thế nào mới thật sự ý nghĩa? Người ta thường nói “Của cho không bằng cách cho”, vậy quà Tết có thật sự cần đầu tư chỉn chu hay tặng gì cũng được miễn có lòng?
“Của cho” - Lựa chọn quà như thế nào?
Lựa chọn quà tặng phù hợp với người nhận là cả một nghệ thuật. Dù bạn tặng cho sếp, người thân, đối tác hay thậm chí là người xa lạ, bạn đều cần phải hết sức lưu tâm về vấn đề giá trị của món quà. Nếu bạn chọn các món đồ có giá trị quá lớn, quá hoành tráng sẽ dễ mang lại tâm lý “mắc nợ” cho người được tặng và ngược lại, nếu bạn mua những món đồ bình dân và phổ thông, vô hình chung bạn sẽ bị gắn mác “không có thành ý”. Bên cạnh đó, việc lựa chọn món quà chất lượng, cân đối với ngân sách của bản thân là chưa đủ, quan trọng hơn hết vẫn là thể hiện được một phần giá trị của người tặng lẫn người được tặng.
Vậy trong dịp Tết Quý Mão này, làm sao để bạn chọn được quà vừa chất lượng vừa thể hiện được giá trị đôi bên? Bí quyết đó chính là "cá nhân hoá" món quà. Quà của bạn có thể rất thông dụng và đại trà nhưng khi chúng có dấu ấn riêng, bạn đã không chỉ tăng thêm giá trị cho chúng mà còn giúp bạn trở nên tinh tế hơn trong mắt người nhận. Bạn nên tìm hiểu sâu hơn về sở thích của người được tặng, xem họ quan tâm đến các món quà dạng nào, là sức khỏe, thực phẩm, quà trưng bày ngày Tết hay cây xanh? Sau khi xác định được món quà phù hợp, đặc biệt nếu cá nhân đó là một người rất quan trọng với bạn, đừng ngại đặt riêng một món quà có khắc tên hoặc có một dấu ấn đặc trưng độc nhất để người nhận trân trọng và có thể giữ gìn món quà lâu hơn.
“Cách cho” - Tặng quà như thế nào?
Để hoàn thành một món quà ý nghĩa, ngoài việc lựa chọn “của cho” bên trong sao cho “ra trò” thì hình thức bên ngoài cũng cần phải “ra dẻ”. Những món quà bạn tặng có thể không quá xa xỉ đắt tiền nhưng diện mạo chỉn chu chắc chắn sẽ khiến “của cho” của bạn ghi điểm tuyệt đối. Không chỉ thế, vẻ ngoài của món quà đẹp mắt, ấn tượng, được gói hay trình bày một cách cẩn thận, trang trọng và tinh tế còn giúp người được tặng cảm nhận được tấm lòng và sự trân trọng của bạn dành cho họ.
Khi đã lựa chọn được món quà phù hợp và trang trí bắt mắt, dù bạn tặng trực tiếp hay gián tiếp, đừng quên gửi kèm theo lời nhắn cảm ơn và cả lời chúc mừng năm mới qua một tấm thiệp nhỏ nữa nhé. Tưởng chừng là một hành động nhỏ nhưng đây lại là “cách cho” chứa đựng những lời nói chân thành chạm đến trái tim đối phương vô cùng hiệu quả. Hãy nhớ rằng, sự xuề xòa trong “cách cho” sẽ khiến món quà Tết trở nên mất điểm trong mắt người nhận và làm họ cảm thấy không được trân trọng.
Chú trọng “của cho” hay “cách cho”?
Dân gian ta có câu “Của cho không bằng cách cho”, tuy nhiên quan điểm này có thể không còn phù hợp ở mọi trường hợp, ngữ cảnh. “Của cho” và “cách cho” nên được chăm chút ngang nhau. Món quà có giá trị khi nó được trao gửi phù hợp với nhu cầu, mục đích, hỗ trợ tốt hơn cho cuộc sống người nhận. Còn cách trao tặng tinh tế, chân thành sẽ làm tăng giá trị tinh thần, gắn kết mối quan hệ hai bên.
Có thể thấy, tặng quà là cả một nghệ thuật phản ánh văn hóa cho-nhận của người Việt. Tặng làm sao để người nhận không bị cảm giác ban ơn, bố thí và nhận làm sao để người tặng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, đó mới chính là những yếu tố vô hình tạo nên giá trị cho những món quà trân quý ngày Tết.
Lời kết
Không đơn thuần là những hộp bánh, túi trà hay những thức quà được gói ghém chỉn chu, món quà Tết còn tượng trưng cho lời chúc sức khoẻ và hy vọng về một năm mới bình an, tài lộc. Do đó, khi “của cho” đẹp, chứa đựng tâm huyết bên trong cùng với “cách cho” tinh tế sẽ khiến món quà trở nên ý nghĩa và đáng quý hơn. Dù là tặng quà dịp Tết hay bất cứ thời điểm nào trong năm, tặng người thân hay người lạ thì “của cho” và “cách cho” đều nên được chú trọng ngang nhau.