Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Võ thuật không chỉ “đi đường quyền” mà còn ẩn chứa nhiều bài học cuộc sống

Không đơn thuần là một môn thể thao hay giải pháp bảo vệ bản thân, võ thuật còn mang đến nhiều bài học ý nghĩa, là nguồn cảm hứng để những người luyện tập bộ môn này điều chỉnh thái độ sống hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

"Thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân"

Đây là một câu thành ngữ của Trung Hoa, trở nên phổ biến ở Việt Nam thông qua các nhân vật tiểu thuyết võ hiệp với hàm ý: trời thì cao nhưng bên ngoài bầu trời ta biết còn có bầu trời khác, người tài giỏi chắc chắn có người tài giỏi hơn. Vì vậy, dù làm gì cũng tối kỵ việc ngạo mạn, cần phải biết đặt mình ở chỗ thấp, không ngừng học hỏi, cởi mở, cầu tiến để vươn lên thoát khỏi vùng an toàn của bản thân cũng như thích nghi với mọi tình huống trong cuộc sống. Tương tự như việc học võ không bao giờ có giới hạn, luôn phải nỗ lực phấn đấu để thăng hạng kỹ thuật, rèn luyện sức bền.

Cải thiện bản thân 1% mỗi ngày

Bài học tiếp theo mà môn võ thuật dạy cho chúng ta là không ngừng cải thiện bản thân để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Không thể kỳ vọng bản thân làm những điều kỳ diệu như thay đổi trình độ hoàn toàn chỉ sau một thời gian ngắn, võ thuật khuyến khích chúng ta bắt đầu cải thiện bản thân từ những điều nhỏ nhặt nhất, ít nhất khoảng 1% mỗi ngày.

Hôm nay bạn vẫn đứng tấn chưa đúng tư thế, hãy cố gắng để đứng tấn vững hơn vào ngày hôm sau, hôm sau nữa, mỗi ngày một chút, dần dần sẽ thành công. Hàng trăm ngàn cú đấm được tung ra mỗi ngày sẽ dần nâng cao lực của cánh tay. Chậm nhưng chắc chắn, các võ sinh đang tiến lên trên con đường hoàn thiện chính mình mỗi ngày.

Khai phá tiềm năng vô tận bên trong mỗi người

Những người luyện võ tin rằng sâu bên trong mỗi người có nguồn tiềm năng vô tận để chinh phục bất cứ mục tiêu nào, miễn là chúng ta đặt hết tâm trí mình vào nó. Từ việc trở thành nhà vô địch thế giới ở môn MMA cho đến giảm 10kg trọng lượng cơ thể, bạn đều có thể làm được. Tất cả những việc bạn cần làm là kiên trì theo đuổi mục tiêu và lên kế hoạch chinh phục chúng. Bài học này tưởng chừng đơn giản nhưng vẫn rất có ý nghĩa, vì đôi khi chúng ta lại quên việc khai phá tiềm năng bên trong bản thân mình.

Đi cùng rủi ro là cơ hội

“Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chọn trở thành một họa sĩ thay vì một nhân viên ngân hàng?”, “Liệu tôi có nên từ bỏ công việc văn phòng hiện tại và chuyển sang kinh doanh tự do không?… Chúng ta thường xuyên tự hỏi mình những câu hỏi như thế, nhưng ít khi ta đủ dũng khí để thực hiện một “bước nhảy của niềm tin” – hay đưa ra một quyết định dựa trên sự tin tưởng thay vì những bằng chứng bảo đảm cho khả năng thành công. Cho dù chúng ta nhảy vào một công việc mới, bước lên sàn đấu MMA hay thảm vật Judo… chúng ta đều có nguy cơ thua cuộc.

Không có gì đảm bảo 100%, nhưng đi cùng với rủi ro thất bại là cơ hội chiến thắng và vĩ đại hơn nữa. Chúng ta sẽ mãi mãi không biết mình có những khả năng gì, đâu là giới hạn của bản thân nếu ta không dám đương đầu cùng những rủi ro, thử thách.

Kỷ luật là chìa khóa của thành công

Thỉnh thoảng chúng ta lại lâm vào tình trạng “giậm chân tại chỗ” trong công việc hoặc học tập. Ta tự nhủ rằng sẽ thực hiện điều cần làm vào ngày mai. Nhưng ngày mai sẽ kéo dài thành hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Và đôi khi bạn sẽ cảm thấy thất vọng với bản thân vì mãi chạy theo sau những người đồng nghiệp và mục tiêu đã đề ra chỉ vì sự trì hoãn của mình. Nhưng tình trạng này không thể diễn ra khi bạn học một môn võ thuật. Bất kỳ môn võ thuật nào cũng đề cao tính kỷ luật nhằm rèn luyện thể chất lẫn tinh thần. Kỷ luật là con đường bắt buộc phải đi qua nếu muốn tiến đến thành công. Có kỷ luật sẽ giúp chúng ta tránh bị phân tâm và nỗ lực nhiều hơn để chinh phục mục tiêu.

Nuôi dưỡng lòng dũng cảm

Chữ “dũng” là một trong những bài học vỡ lòng quan trọng của võ thuật. Chỉ một chữ, nhưng “dũng” bao hàm nghĩa rộng lớn: dám đương đầu với khó khăn, sẵn sàng chiến đấu vì công lý, vượt qua mọi giới hạn để vươn đến thành công… Lòng dũng cảm trong võ thuật còn là dám đứng lên chống lại cái xấu để bảo vệ bản thân cũng như người yếu thế. Bài học này rất có ý nghĩa đối với chúng ta, đặc biệt là trẻ em – những đối tượng dễ bị bắt nạt. Hiểu rằng mình có thể tự vệ đúng cách trước những kẻ bắt nạt giúp người học võ trở nên tự tin hơn trước các vấn đề của cuộc sống, giảm thiểu những “vết sẹo” tâm lý có ảnh hưởng suốt đời.

Đối thủ lớn nhất chính là tâm trí của chúng ta

Khi luyện võ, trí lực là một trong những khái niệm đầu tiên cần học. Để giành chiến thắng trên sàn đấu, cơ thể và tâm trí của bạn cần phải làm việc đồng bộ. Dù cơ thể có liên tục phát tín hiệu “cầu cứu” vì mệt mỏi, bạn vẫn có thể tiếp tục vì tâm trí thúc đẩy bạn làm điều đó.

Tương tự, mỗi người trong chúng ta phải trải qua nghịch cảnh vào một thời điểm nào đó trong đời. Những khó khăn có thể đánh bại chúng ta hay không là do chúng ta quyết định. Sức mạnh tinh thần sẽ giúp ta chiến thắng dù ngay trong những giờ phút đen tối nhất của cuộc đời.

Trong võ thuật, chúng ta được học rằng đối thủ lớn nhất không phải nghịch cảnh mà chính là tâm trí của chúng ta. Những huấn luyện viên thường nói với võ sinh rằng cách họ phản ứng lại khi đang yếu ớt nhất là điều “định nghĩa” nên con người họ. Dần dà các võ sinh sẽ học được cách vượt qua trở ngại bằng sức mạnh tinh thần, bất chấp tiếng nói trong đầu không ngừng bảo họ hãy từ bỏ và tiến lên phía trước như một chiến binh thực thụ.

Không thể xao nhãng

Người học võ sẽ nhanh chóng nhận ra rằng họ phải dành toàn tâm toàn ý nếu muốn học và luyện đúng kỹ thuật. Bất kỳ một sự xao nhãng nào cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như các chấn thương khi thực hành. Võ thuật dạy chúng ta cách loại bỏ yếu tố gây phân tâm (như các cuộc vui, mạng xã hội…) và tập trung vào nhiệm vụ trước mắt. Khi kiểm soát tốt khả năng tập trung, bạn sẽ trở nên bình tĩnh, tự tin hơn và làm được những điều đáng ngạc nhiên. Kiếm sĩ Samurai Isao Machii đã từng khiến cả thế giới kinh ngạc vì khả năng dùng kiếm chém đôi viên đạn đang bay với tốc độ 320km/giờ. Đây là một ví dụ điển hình cho khả năng tập trung cao độ và phản xạ nhanh nhạy của những người học võ.

Làm mọi việc bằng tất cả tấm lòng

Nếu bạn tham gia một lớp học bất kỳ do Giáo sư võ thuật Almiro Barros đứng lớp, bạn sẽ nhận ra nụ cười luôn thường trực trên môi ông, dù có thể ông ấy đã dạy 5 lớp và đấu 8 hiệp MMA trước đó. Niềm đam mê với việc giảng dạy và môn võ Jiu-Jitsu luôn tỏa sáng nơi người đàn ông này. Bạn có thể học được từ ông ấy bài học: khi ta làm điều gì đó với tất cả tình yêu trong tim, những vấn đề không thiết yếu khác đều có thể bỏ qua. Ta có thể sống chỉ vì khoảnh khắc này, trân trọng cuộc sống mà ta đang có hơn bao giờ hết.

Tinh thần thượng võ

Tinh thần thượng võ hiểu đơn giản là tinh thần “fair play”, tính nhân văn trong võ thuật. Trong một cuộc đấu, người thượng võ không chỉ không dồn đối phương vào đường cùng, lưu lại cho đối phương đường lui mà còn thể hiện qua việc tiến tới đỡ đối phương đứng dậy, bắt tay thân thiện, tuyệt đối không mang những ân oán, mâu thuẫn từ sàn đấu ra đời thực. Trong cuộc sống, khó tránh khỏi chúng ta có mâu thuẫn với một số người, nhưng ta có vẫn có thể chọn lựa đối xử với họ một cách “thượng võ”, nhân văn hơn bao giờ hết. Trong một cuộc tranh tài, hãy luôn cố gắng giữ gìn sự tử tế, công bằng, đạo đức và sự tôn trọng với người trước mặt.

“Hãy như nước”

Trong bộ phim Longstreet năm 1971, huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long từng có câu nói nổi tiếng: “Hãy để tâm trí trống rỗng, vô hình vô tướng, giống như nước. Cho nước vào một cái cốc, nó trở thành cốc nước. Cho nước vào một chiếc ấm, nó trở thành ấm trà. Nước có thể chảy trôi, đông đặc, nhỏ giọt hoặc vỡ tan. Hãy giống như nước, người anh em ạ!"

Chỉ một câu nói đã khái quát được triết lý “vô vi” mà Lý Tiểu Long học được từ sư phụ Diệp Vấn của mình, cũng là tư tưởng mà Lão Tử truyền lại cho người đời qua quyển Đạo Đức Kinh. Vô vi nghĩa là "vi vô vi nhi vô bất vi" hay “không làm gì mà không gì là không làm". Tương tự như cách hành xử của nước: tuy mềm mại uyển chuyển nhưng có sức công phá vô cùng lớn, không hình dạng cố định nhưng có thể có bất cứ dáng hình nào tùy vào vật chứa nó. Nước còn đem lại sự sống cho vạn vật mà không cần bất cứ sự đền đáp nào. Nước luôn chảy về chỗ thấp như kẻ đại nhân luôn biết hạ mình, có tấm lòng bao dung quảng đại. Chính vì triết lý sâu sắc này mà câu nói “"Be like water" (Hãy như nước) của Lý Tiểu Long đã trở nên nổi tiếng và có giá trị đến tận ngày nay.

Võ thuật là môn thể thao dạy chúng ta nhiều bài học quý giá, giúp chúng ta hiểu mình có thể trở nên vĩ đại như thế nào, tốt đẹp hơn ra sao. Nếu bạn không có điều kiện theo đuổi bị môn này, hãy cân nhắc chúng cho con trẻ của mình. Và đừng quên những bài học giá trị hàng nghìn năm mà võ thuật mang lại cho chúng ta nhé.

 

Muốn được tư vấn về sản phẩm?

Hãy để lại thông tin bên dưới, chuyên viên tài chính Prudential sẽ liên hệ với bạn trong thời gian sớm nhất
* Là các thông tin bắt buộc
Thông tin chưa hoàn thành Vui lòng nhập đủ các thông tin bắt buộc

* Là các thông tin bắt buộc

Nhập thông tin của bạn

Thông tin khác

Giới tính

Giới tính

Chọn thành phố

Bằng việc đánh dấu vào ô ngay cạnh bên, Tôi xác nhận đã đọc, hiểu và biết rõ Chính Sách Bảo Mật Thông Tin của Prudential và đồng ý để Prudential liên hệ cho mục đích tư vấn, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo và khuyến mại như quy định chi tiết tại Chính Sách Bảo Mật Thông Tin.

Đăng ký tư vấn bảo hiểm nhân thọ Prudential ngay hôm nay