Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Còi xương - Bệnh lý phụ huynh nghe đến đã sợ

Còi xương là một chứng bệnh toàn thân dễ mắc phải đối với trẻ em trong hai năm đầu đời. Bệnh lý này ảnh hưởng đến sự tạo thành xương và liên đới tới hoạt động của các cơ quan khác, xuất phát từ rối loạn chuyển hoá Calci – Phospho và rối loạn tạo xương.

Để đối phó với còi xương, các bậc phụ huynh nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trong bài viết dưới đây, nhằm giúp con em mình lớn lên được vững chãi, cứng cáp.

Vì đâu nên nỗi… còi xương?

Rất nhiều ông bố bà mẹ nghĩ bé bị còi xương là do cơ thể không đủ canxi. Nhưng trên thực tế, việc thiếu hụt Vitamin D mới là nguyên nhân chủ yếu gây ra căn bệnh này. Nguồn Vitamin D đến với cơ thể chủ yếu 80% từ ánh nắng mặt trời (chuyển hoá từ tiền chất Vitamin D) và 20% từ các nguồn thức ăn động vật (thịt, cá, trứng, sữa) và thực vật (đậu, nấm).

Ở các nước ôn đới - đặc biệt vào mùa đông - ánh sáng mặt trời rất hạn chế, dẫn đến lượng Vitamin D hấp thu từ ánh nắng không đủ cho cơ thể các bé. Ngoài ra, bụi, khói, sương mù, nhà cao tầng cũng làm giảm tia cực tím của ánh nắng mặt trời tiếp xúc với da, vì thế mà sự tổng hợp vitamin D cũng giảm sút theo.

Còn ở Việt Nam, do phong tục tập quán mà cả mẹ và bé đều ở trong buồng tối nhiều tuần sau sinh, dẫn đến cơ thể bé bị thiếu hụt Vitamin D dù không mong muốn. Bên cạnh đó, vì nhiều gia đình chủ quan nên cho bé ăn thiếu chất béo và thức ăn động vật (chủ yếu là protein), kéo theo cả suy dinh dưỡng lẫn bệnh còi xương.

Không chỉ có một dạng còi xương!

Bệnh còi xương có nhiều dạng, được chia theo quá trình phát triển của trẻ, bao gồm: bệnh còi xương bào thai, bệnh còi xương sớm ở trẻ dưới 6 tháng và bệnh còi xương đối với trẻ trên 6 tháng.

Bệnh còi xương bào thai thường gặp ở trẻ sinh non, sinh đôi, sinh ba - do mẹ mang bầu ít ra ngoài trời hoặc vì bất kỳ lý do nào tương tự. Phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ có nhu cầu Vitamin D cao gấp 3 lần bình thường (nhất là ở 3 tháng cuối cùng), thế nên các bà mẹ cần lưu ý để bổ sung Vitamin D kịp thời, ngăn ngừa tình trạng còi xương cho con.

Tiếp theo, đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, bệnh còi xương sớm xuất hiện là do phụ huynh không cho bé tiếp xúc với ánh sáng, kiêng nắng, gió sau sinh. Một số bà mẹ lại còn kiêng ăn cả những thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá… làm cho sữa mẹ thiếu hụt canxi trầm trọng. Việc không có đủ canxi và Vitamin D chỉ vì kiêng cữ như thế dẫn đến hiện tượng còi xương cho bé, ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ bé về lâu dài.

Cuối cùng, còi xương ở trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi là chứng bệnh phổ biến nhất, thường xuất hiện ở trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi. Bên cạnh nguyên nhân thiếu ánh sáng, bé bị còi xương còn do bố mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc chưa đúng cách, nấu bữa ăn không đầy đủ chất đạm, chất béo, khiến bé bị còi xương và cả suy dinh dưỡng. Trong một số trường hợp hi hữu, nếu bé có tình trạng rối loạn hấp thu tại ruột non thì bố mẹ cũng cần phát hiện kịp thời để đi khám bác sỹ.

Còi xương – biểu hiện bệnh thế nào?

Các bà mẹ bầu cần lưu ý: nếu trước khi sinh mà cảm nhận thai cử động yếu thì có khả năng bào thai đã bị còi xương, cần khám bác sỹ ngay để phòng ngừa.

Còn sau khi sinh, một trong những biểu hiện phổ biến của bệnh còi xương chính là việc hạ canxi máu. Khi lượng canxi trong máu sụt giảm, trẻ sẽ bị rối loạn giấc ngủ: khó ngủ, trằn trọc, hay bị giật mình khi có tiếng động dù rất nhẹ và có thể khóc thét kèm co thắt thanh quản, khóc suốt đêm (mà các cụ thường gọi là khóc “dạ đề”). Bên cạnh đó, trẻ còn hay vặn vẹo, đỏ người, đổ mồ hôi trộm. Đặc biệt là khi bú: sữa gây co thắt dạ dày làm trẻ ọc sữa, nôn trớ; co thắt cơ hoành làm trẻ nấc cụt; co thắt ruột, bàng quang làm trẻ són phân và són tiểu.

Nguy hiểm hơn, trẻ rất có thể gặp biến dạng xương ở hộp sọ. Nếu không chẩn đoán cũng như điều trị kịp thời, trẻ sẽ xuất hiện thêm các biến dạng ở cột sống, lồng ngực và các chi. Đầu của trẻ sẽ bị bẹp theo tư thế nằm. Nếu trẻ nằm ngửa thì sẽ bẹp sau gáy, nếu nằm nghiêng sẽ bị bẹp một bên.

Ngoài ra, lồng ngực bé sẽ dễ bị lõm dưới vú 2 bên, cột sống gù vẹo, chân cong hình chữ O hay hình chữ X. Việc biến dạng này làm ảnh hưởng đến sự phát triển vận động, chiều cao của trẻ... Thậm chí làm trẻ teo cơ.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Nguyên tắc chữa bệnh và phòng bệnh còi xương cũng đều quay quanh một yếu tố lớn nhất: đó là bổ sung Vitamin D cho bé được phát triển hoàn thiện.

Bởi vậy, các bà mẹ trong giai đoạn thai kỳ và đang cho con bú nên loại bỏ tập quán sợ nắng, sợ gió, hay kiêng ăn các thực phẩm giàu can xi trước và sau sinh - để phòng bệnh còi xương cho bé. Cả mẹ và bé nên tắm nắng từ 15 đến 30 phút trước 9 giờ sáng. Ánh sáng tiếp xúc trực tiếp với tay, chân, lưng, bụng sẽ giúp tăng cường sức khỏe và đẩy lùi bệnh còi xương.

Nếu không thể ra ngoài trời thường xuyên trong giai đoạn thai kỳ, các mẹ nên uống Vitamin D để tăng cường sức  khỏe. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần đưa bé đến thăm khám bác sĩ để tìm hiểu về liều lượng vitamin D nên bổ sung cho trẻ ở từng độ tuổi, tránh thiếu hụt dưỡng chất quan trọng này. Khi trẻ đến kỳ ăn dặm, đừng quên cho ăn đầy đủ 4 nhóm thức ăn với chất bột, chất đạm, chất béo, rau củ để phòng ngừa còi xương và suy dinh dưỡng.

Hi vọng những chia sẻ từ bài viết này của Prudential sẽ giúp bạn hiểu thêm về bệnh còi xương, từ đó có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho mẹ và con ở những năm tháng đầu đời!

BS.CK1. Phan Thị Hiền Thu

>>> Xem thêm: