Mới tập đầu tư, đừng mắc phải 7 sai lầm dưới đây
Nội dung bài viết
Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến kinh tế từ vĩ mô đến vi mô, dẫn đến một làn sóng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường (hay còn gọi là các F0) ngày một lớn mạnh với nhu cầu tối ưu hóa nguồn vốn để sinh lời. Đây cũng là thời điểm hoàn hảo để bắt tay vào đầu tư, với giá cổ phiếu rẻ hơn và lãi suất tiết kiệm giảm một nửa. Bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu đầu tư, chỉ với một số tiền nhỏ.
Song, những khoản lợi nhuận lại chỉ dành cho các nhà đầu tư tỉnh táo. Hãy cùng điểm qua 7 sai lầm thường gặp ở người mới đầu tư để rút kinh nghiệm cho hành trình đầu tư của mình nhé.
Quá bận tâm về những biến động của thị trường
Đây là lỗi mà đa số người chơi chứng khoán đều dễ mắc phải. Danielle Harrison, Chuyên gia hoạch định tài chính (CFP) tại Harrison Financial Planning, chia sẻ cô thường phải khuyên nhủ các khách hàng của mình đừng mãi xem TV và theo dõi biến động thị trường nữa. Mặc dù việc theo dõi những gì đang diễn ra trong nền kinh tế nói chung là điều bình thường, nhưng mấu chốt chính là ta rất dễ bị cuốn theo vòng xoáy cảm xúc lẫn lộn, khi thì phấn khích tột độ, khi thì phiền muộn không yên.
Thị trường liên tục vận động và việc cố gắng theo dõi trong thời gian thực có thể khiến ta liên tục kiểm tra hoặc thay đổi các khoản đầu tư của mình. Những quyết định mang tính bộc phát và cảm tính (khi nghe tin tức và chưa tìm hiểu – phân tích sâu) dễ khiến ta đưa ra các quyết sách sai lầm. Việc lắng nghe thông tin xấu mà không có bối cảnh cụ thể có thể dẫn đến việc ra quyết định hấp tấp.
Giải pháp thiết thực nhất cho các nhà đầu tư non trẻ là hãy tránh theo dõi sàn giao dịch quá sát sao. Thay vì xem bảng điện mỗi ngày, chúng ta chỉ nên theo dõi vào từng mốc thời gian nhất định sau khi đã thiết lập danh mục đầu tư .
Theo đuổi các xu hướng nhất thời mà không phân tích bối cảnh
Một sai lầm phổ biến của các nhà đầu tư “chân ướt chân ráo” chính là việc sợ bỏ lỡ - một hiệu ứng tâm lý để chỉ những người sợ bỏ lỡ mất cơ hội (FOMO: Fear of Missing Out). Các nhà đầu tư F0 thường sợ bỏ lỡ cơ hội, bỏ lỡ xu hướng, bỏ lỡ thông tin... Chính tâm lý lo lắng mình sẽ lỡ mất đó khiến các nhà đầu tư mới dễ đưa ra những quyết định mang tính tức thời, thiếu sự phân tích kĩ lưỡng và thấu đáo.
Thế nên, một trong những lời khuyên xác đáng được đưa ra bởi chuyên gia là hãy luôn xây dựng nền tảng kiến thức và tâm lý trước khi gia nhập thị trường. Hoặc, một lựa chọn khác để tiếp cận thuận lợi hơn, chính là việc đầu tư thụ động vào thị trường thông qua các quỹ chỉ số (Index fund). Với ý tưởng này, ta sẽ gặp phải ít rủi ro hơn khi ký gửi dòng vốn của mình cho các các chuyên gia trong quỹ đầu tư, đồng thời giải phóng tâm lý phải tập trung vào thị trường mọi lúc. Thay vào đó, ta có thể chú trọng vào công việc chính và các kĩ năng chuyên môn để phát triển bản thân mà nguồn vốn vẫn đang được các quỹ đầu tư nhiều kinh nghiệm phân bổ vào các cổ phiếu tiềm năng và sinh lời.
Quá chú tâm vào những lời khuyên trên mạng xã hội
Những nhà đầu tư F0 thường tìm kiếm lời khuyên ở nhiều nơi: báo chí, mạng xã hội, các chuyên gia trong ngành, các hội nhóm thảo luận về chứng khoán... Song, từ góc độ chuyên gia tài chính, lời khuyên thật lòng của họ chính là: Đừng tin vào những lời khuyên từ những người không biết rõ về tình hình tài chính cá nhân của chúng ta. Vì dòng vốn của mỗi người, thời gian để phân bổ nguồn vốn chờ sinh lời, chỉ số rủi ro mà mỗi người chấp nhận… sẽ khác nhau. Lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn và ngược lại. Thêm vào đó, mạng xã hội là nơi mọi người được tự do phát ngôn nên rất khó để kiểm chứng về mức độ xác tín của lời khuyên.
Không đủ kiên nhẫn với các khoản đầu tư
Khi nói đến đầu tư, người ta thường nhắc đến hai chữ: thời gian. Thời gian là chìa khóa trong đầu tư lâu dài, là tiền đề để tối đa hóa lợi nhuận của bản thân. Một trong những sai lầm lớn mà các chuyên gia nhận định được chính là việc bán tháo cổ phiếu chỉ vì người chơi nhận thấy tiền của họ không tăng gấp đôi sau một khoảng thời gian nhất định, dù chỉ mới vài ngày hoặc vài tuần. Hơn nữa, nếu bản thân muốn gia tăng tài sản gấp nhiều lần, thì có lẽ chính ta đang không có một khoản tiết kiệm thích hợp, bởi vì tăng trưởng càng nhanh thì càng đi kèm với nhiều rủi ro.
Chưa kể, việc chốt lời “non” các khoản đầu tư trước những mức lãi kỳ vọng dễ khiến ta thấy chán nản với tâm lý: Đầu tư lời chẳng đáng là bao. Chính vì vậy, trước khi bắt đầu đầu tư, hãy xác định một số cột mốc cụ thể: Ta sẽ đầu tư trong bao lâu, khi nào thì sẽ chốt lời và khi nào cần chốt lỗ... Kỷ luật trong đầu tư khi tuân thủ các nguyên tắc là một trong những điều kiện tiên quyết để đem lại kết quả lợi nhuận như mơ!
Chưa phân bổ hợp lý nguồn tiền đầu tư
Nhà đầu tư mới thường có xu hướng vội vàng khi gia nhập thị trường mà thiếu đi việc xây dựng một nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng vững chắc. Đây chính là một sai lầm phổ biến được các chuyên gia tài chính chỉ ra. Trước khi đầu tư, ta cần biết rằng khoản tiền mình sẽ đầu tư đến từ đâu: tiền tiết kiệm, tiền nhàn rỗi, tiền có kế hoạch chi tiêu nhưng tạm thời chưa cần dùng đến...
Việc nhận thức được dòng vốn là ngắn hạn hay dài hạn cũng ảnh hưởng khá nhiều đến các chiến lược đầu tư. Vì những biến động của thị trường luôn không thể lường trước, nên sẽ không ai muốn mạo hiểu toàn bộ nguồn tiền mình có nếu đó là những khoản quan trọng như tiền mua nhà, tiền học cho con, tiền dùng trong trường hợp khẩn cấp… Với những khoản tiền tiết kiệm cần dùng đến trong khoản thời gian ngắn (trong khoảng 3 năm sắp tới) thì càng không nên dùng để đầu tư.
Thiếu sự hoạch định về mục tiêu khi đầu tư
Để đầu tư thành công, hãy đảm bảo rằng chúng ta có mục tiêu rõ ràng khi bắt đầu. Đầu tư để thu lời là mục tiêu của hầu hết của những người mới bắt đầu. Song nếu cứ bị cuốn theo tiền, ta dễ bị mất kiểm soát đối với chiến lược và danh mục đầu tư. Hiện nay, chỉ số S&P 500 thường được lấy làm “thước đo” cho hiệu quả đầu tư của người chơi chứng khoán, cũng như là một công cụ giúp nhà đầu tư nắm rõ về sự chuyển động tổng thể của thị trường. Tuy nhiên, một số chuyên gia đã chỉ ra rằng các cá nhân không nên lấy nó làm tiêu chuẩn để đầu tư. Mà hơn hết, nhà đầu tư phải tự thiết kế cho mình những danh mục đầu tư và hiệu suất đầu tư phù hợp với từng mục tiêu cá nhân.
Trì hoãn cơ hội
Và sai lầm cuối cùng: không dám gia nhập thị trường đầu tư. Tâm lý này có thể dễ hiểu với một số cá nhân khi họ muốn để tiền an toàn trong tài khoản ngân hàng. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc tiền sẽ mất sức mua do tỷ lệ lạm phát gia tăng theo thời gian. Chính vì vậy, một số người vì quá sợ đầu tư mà đánh mất việc hưởng lãi suất kép khi tham gia đầu tư dài hạn.
Với 7 sai lầm phổ biến thường gặp trên đây, hy vọng rằng bạn sẽ luôn giữ được sự bình tĩnh và kỷ luật để đầu tư thành công, hiệu quả trong tương lai.