Overachiever - khi cố quá thành quá cố
Blog Nhịp Sống Khỏe

Overachiever - khi cố quá thành quá cố

Ai cũng muốn được thành công và để đạt được điều đó, cố gắng là điều hiển nhiên. Tuy vậy, có bao giờ chúng ta tự hỏi bao nhiêu cố gắng là đủ và bao nhiêu là quá nhiều? Trong bài viết này Prudential sẽ chia sẻ cho bạn khái niệm về những “overachiever”, những người luôn cố gắng học tập và làm việc nhưng họ chưa bao giờ hài lòng với bản thân cũng như những gì mình đạt được.

 

Overachiever có thể hiểu như thế nào?

Overachiever là những người luôn rất nỗ lực trong học tập và công việc. Họ thường sẽ là những người theo chủ nghĩa hoàn hảo và sợ thất bại. Chính vì thế, họ thường đặt ra những mục tiêu rất cao, hoặc có thể nói xa tầm với, cho bản thân mình và cho những người xung quanh.

Nỗ lực là thế nhưng chưa chắc là họ năng suất. Thật vậy, tuy điểm chung của một người năng suất và một overachiever là sự thành công, quá trình thực hiện và thái độ của họ hoàn toàn khác nhau. Nếu overachiever không màng đến cuộc sống cá nhân hay sức khoẻ của mình để dốc hết tâm sức làm việc thì một người năng suất lại biết cách sắp xếp thời gian cũng như dùng những điểm mạnh của bản thân để hoàn thành công việc một cách tròn vẹn nhất.

 

Dấu hiệu cho thấy bạn là một Overachiever

Là một người luôn nỗ lực trong cuộc sống không phải là một điều tệ. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy chưa bao giờ hài lòng về những thành quả của mình hoặc bạn luôn bị ám ảnh bởi việc thất bại thì có lẽ bạn là một Overachiever.

1. Có phải bạn chỉ quan tâm đến thành quả?

Overachiever thường tin rằng chỉ có kết quả cuối cùng là quan trọng, Họ tự đánh giá bản thân họ dựa trên thang điểm này và họ có xu hướng đánh giá người khác một cách tương tự. Khi họ đến được cái đích mà họ đã vạch sẵn, thay vì vui sướng và tự hào về bản thân, họ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm vì mình đã không thất bại.

2. Có phải bạn là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo?

Overachiever thường bị “ám ảnh” với sự hoản hảo. Đối với họ, không hoàn hảo là thất bại và vì thế họ luôn cố gắng giữ hình tượng chỉnh chu của mình trong mắt người khác. Tuy không có gì xấu khi là một người thích sự hoản hảo vì điều đó có nghĩa bạn luôn hướng đến một chuẩn mực làm việc cao, Nhưng nếu sự hoàn hảo này là nguồn cơn của những sự lo lắng thì đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.

 

3. Có phải bạn luôn khắt khe với bản thân?

Ai cũng nên giữ một mức độ khắt khe nhất định với bản thân để có thể hướng đến cái đích tốt hơn. Tuy nhiên overachiever có xu hướng khắt khe với bản thân hơn. Họ đặt ra những kì vọng và mong muốn xa vời và luôn tự trách bản thân khi không chạm tới được. Do quá “xấu tính” với chính bản thân mình, họ luôn bị tự ti và lo lắng.

4. Có phải bạn chỉ quan tâm đến tương lai?

Overachiver chú trọng nhiều vào tương lai mà thường quên mất hiện tại của họ. Họ bỏ mặc sức khoẻ của mình cũng như những mối quan hệ xung quanh chỉ để tập trung vào công việc với ước muốn một ngày nào đó mình sẽ thành công. Chính vì thế, họ không bao giờ cảm thấy vui vẻ vì họ dường như không có thời gian để “sống” ở hiện tại.

5. Có phải bạn dễ nóng giận?

Overachiever luôn trong trạng thái căng thẳng vì họ luôn có một KPI nào đó để chạy theo. Chính vì vậy, họ dễ nổi nóng với những người xung quanh khi cảm thấy họ đang cản trở mình. Tuy ai mà không có lúc cáu giận nhưng tần suất này ở Overachiever là nhiều đáng kể và nó thường xuyên đến nỗi họ sẽ không nhớ rằng mình đã trở nên cáu gắt với ai, khi nào, và vì sao.

 

Bạn có thể làm gì để nỗ lực không trở thành quá cố?

Nếu bạn đã xác định được mình là một Overachiever, Prudential có một số lời khuyên sau để bạn có thể thay đổi cách nhìn của mình về công việc cũng như sự thành công để nó không ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như các mối quan hệ xung quanh của bạn.

1. Thay đổi định nghĩa về sự thành công

Bắt đầu suy nghĩ về từng khía cạnh trong cuộc sống của bạn và nó sẽ như thế nào nếu bạn thực sự hạnh phúc. Bằng cách đó, bạn sẽ thấy rõ ràng rằng việc sống và tận hưởng một cuộc sống trọn vẹn ý nghĩa hơn nhiều so với việc chăm chăm theo đuổi một mục tiêu sự nghiệp, tiền bạc hay địa vị xa vời.

2. Ngừng theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo

Thay vì cầu toàn, sợ sai lầm và thất bại, hãy nghĩ rằng mọi thứ vẫn đang tiến triển. Tư duy này cho phép bạn tập trung vào những cố gắng, cải thiện mà bạn đang thực hiện thay vì cảm thấy bản thân chưa đủ tốt.

 

3. Tích cực đối diện với mọi vấn đề

Hãy tin rằng hầu hết mọi bài toán đều có một lời giải đáp, vấn đề chỉ là thời gian và cách thức bạn thực hiện. Đừng cố đâm đầu vào ngõ cụt, đôi khi việc bạn cần làm là tạm dừng lại, xác định rõ vấn đề và vui vẻ bắt đầu lại.

4. Thừa nhận khuyết điểm, chấp nhận bản thân

Ai cũng có khuyết điểm, vậy nên bạn đừng cố giấu đi mà hãy học cách chấp nhận. Biết mình mạnh ở đâu, yếu chỗ nào giúp bạn định hình quá trình làm việc theo chiều hướng phù hợp với bản thân và tránh những sai sót không cần thiết.

 

Lời kết

Điều đáng tuyên dương và khích lệ nhất ở một overachiever đó là họ cực kì nghiêm túc và quan tâm đến sự thành công của bản thân. Tuy nhiên, sự đánh đổi trong ván cược thành công này lại là các mối quan hệ, sức khỏe và căng thẳng thường trực. Liệu có đáng không khi chẳng một giây phút nào bạn cảm thấy hạnh phúc chỉ vì theo đuổi một đích đến nào đó ở tương lai? Tập kiểm soát, học cách chấp nhận, quan sát những gì mình đang có, đang làm ở hiện tại, bạn sẽ thấy hạnh phúc và thành công đơn giản chỉ là khi ta biết đủ và hài lòng với chính bản thân mình