tự do tuổi 50, cuộc sống độc lập khi về già
Blog Nhịp Sống Khỏe

Nhiều người tìm kiếm tự do ở tuổi 50, tôi cũng thế!

Theo các nhà nghiên cứu tâm lý học hành vi, tuổi 50 là giai đoạn nhiều người dễ rơi vào “khủng hoảng tuổi trung niên” vì đó là giai đoạn chuyển giao giữa 2 giai đoạn quan trọng của đời người, đồng thời cũng là lúc chúng ta dễ nuối tiếc nhất.

Theo nghiên cứu “Cuộc sống độc lập khi về già” của Prudential hợp tác cùng Kantar, 85% người Việt mong muốn có một cuộc sống tự do sau tuổi 50. Để thực hiện thành công mục tiêu này, cũng như không phải hối tiếc khi về già, chúng ta cần lên kế hoạch hành động càng sớm càng tốt, từ 30 tuổi hay thậm chí là từ 20 tuổi.

“Tưới mát” cho sức khoẻ thể chất và tinh thần

Cột mốc 50 có thể được coi là “có tuổi rồi” ở Việt Nam. Có nhiều người khá cẩn trọng khi bước vào giai đoạn này của cuộc đời, bởi đây là cột mốc quan trọng đánh dấu nhiều thay đổi cả về cảm xúc lẫn thể chất. Tuy nhiên, thay vì chấp nhận tuổi già buồn chán, nhiều người chọn cách chủ động tận hưởng khoảng thời gian “xế chiều” này, như cách đón một buổi hoàng hôn rực rỡ lúc cuối ngày.

Để làm được điều đó, việc lên kế hoạch để rèn luyện sức khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần là rất quan trọng. Bởi việc chăm sóc sức khỏe bản thân cũng giống như trồng một cái cây. Nếu được tưới mát và chăm bẵm mỗi ngày, phần “gốc rễ” này sẽ lớn mạnh để có thể giúp cây sống khỏe.

Thế nên, dù cho mỗi ngày có bận rộn, chúng ta cũng nên duy trì thường xuyên việc tập luyện thể dục thể thao. Bên cạnh đó, chúng ta có thể phối hợp chăm sóc cơ thể bằng cách xây dựng các thói quen lành mạnh như ăn uống khoa học, ngủ nghỉ đúng giờ, tập yoga hoặc thiền…

Để duy trì sức khoẻ tinh thần luôn tốt thì chúng ta cần giữ suy nghĩ tích cực trong mọi chuyện, luôn mở lòng với mọi người và giúp đỡ những người xung quanh khi có thể. Bên cạnh đó, mỗi lúc phải đối diện với những vấn đề gây ra “quá tải” cho bản thân, chúng ta nên dừng lại một chút và làm những việc giúp tinh thần thoải mái trở lại trước khi suy nghĩ đến phương án giải quyết.

Đôi khi điều ta cần chỉ đơn giản là áp dụng bài tập thở: Nhắm mắt, không suy nghĩ về chuyện gì khác, tập trung hít thở sâu 10 lần. Hãy đếm đến 4 khi hít vào, giữ 4 giây, rồi thở ra 4 nhịp đếm. Đừng xem thường bài tập đơn giản này. Chúng ta có thể tập luyện hàng ngày và thấy hiệu quả đến ngay sau đó.

Ngoài ra, việc bắt đầu một sở thích mới đôi khi cũng giúp tinh thần ta thêm tươi trẻ khi bước vào tuổi trung niên. Chẳng phải việc đi du lịch khắp nơi, làm những món bánh mình thích, học một nhạc cụ mới, hay bỏ phố về vườn… cũng là cách sống đời tự do hay sao?

Nuôi dưỡng các mối quan hệ trong gia đình và xã hội

Độ tuổi 50 của mỗi người sẽ phải chứng kiến nhiều biến động trong các mối quan hệ. Một số người gánh thêm trên vai trách nhiệm chăm sóc bố mẹ già, một số người lại cảm thấy con cái trưởng thành quá nhanh và không tìm được tiếng nói chung. Một số khác lại rơi vào cảnh cô đơn khi không có ai bên cạnh.

Không ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, thế nên cách tốt nhất vẫn là chúng ta nên vun đắp cho các mối quan hệ từ hôm nay. Đối với những người thân trong gia đình, chúng ta nên duy trì việc giao tiếp thường xuyên với nhau. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tâm sự, chia sẻ cảm xúc, hay du lịch cùng nhau… Có như vậy, các thành viên mới thêm thấu hiểu, và sợi dây kết nối gia đình sẽ thêm bền chặt. Khi gia đình hạnh phúc, tinh thần và cuộc sống của ta cũng trở nên tự do và tươi mới hơn.

Đối với các mối quan hệ xã hội cũng vậy. Ở bất cứ thời điểm nào trong đời chúng ta cũng cần có bạn bè. Ở tuổi trung niên chúng ta cũng cần những bạn bè “đồng lứa” để có thể “chơi cùng” và chia sẻ những vấn đề tương tự nhau. Vì thế, việc duy trì và liên tục bồi dưỡng với bạn bè tốt ở tuổi trung niên cũng rất quan trọng, đáng để chúng ta phải để tâm và đầu tư thời gian.

Vươn tới độc lập tài chính

Ít nhiều trong chúng ta đều có cảm giác ngại ngùng hoặc khó chịu khi phải sống phụ thuộc vào một ai đó. Khi bước vào tuổi trung niên, với tính tình có phần thay đổi, có thể chúng ta càng khó chịu hơn nếu phụ thuộc hoàn toàn vào việc chăm sóc của con cái. Vì thế, độc lập tài chính tuổi trung niên là phương án chuẩn bị tốt nhất cho mỗi chúng ta.

Đồng thời, việc không phải nghĩ quá nhiều về tài chính cũng chính là một phương pháp rất tốt để duy trì trạng thái tốt cho sức khoẻ tinh thần. Vì thế, việc tiết kiệm, đầu tư hay mua bảo hiểm ngay từ sớm sẽ giúp chúng ta chuẩn bị những khoản tài chính vững chắc, ít nhất là đủ trang trải hàng ngày. Điều này sẽ giúp chúng ta luôn thoải mái, vui vẻ, không phải chật vật khi chi tiêu. Khi cần, chúng ta có thể có khoản riêng để chăm sóc bản thân, rủ bạn bè hay đưa con cháu đi du lịch, từ đó hướng tới cuộc sống “hưu trí” an nhàn.

Mỗi chúng ta hoàn toàn có thể chuẩn bị sớm cho một tuổi 50 tự do với những kế hoạch dài hạn từ trước. Đặc biệt, Covid-19 đã đem đến cho chúng ta kinh nghiệm “phòng thủ” cho những biến cố bất ngờ, chưa từng xảy ra. Vì thế, ngay bây giờ, chúng ta hãy bắt đầu lên lộ trình một cách nghiêm túc để đạt được sự tự do ở tuổi 50 sau này.