những người cha trên phim ảnh
Blog Nhịp Sống Khỏe

Những người cha trên phim ảnh này có làm bạn nhớ đến cha mình?

Là một người yêu điện ảnh, chắc hẳn bạn đã xem qua những bộ phim kinh điển như Finding Nemo, To Kill a Mockingbird, The Pursuit of Happiness,… Tuy nhiên, đã có bao giờ bạn nghĩ về hình ảnh người cha được khắc hoạ trong những bộ phim này không? Nếu để ý, bạn sẽ thấy, những hình ảnh ấy rất quen thuộc, ngỡ như được lấy cảm hứng từ cha của mình vậy. Vậy, bạn thấy người cha nào ở trong danh sách này giống cha bạn nhất?

1. Marlin trong phim Finding Nemo (2003)

Là một fan của phim hoạt hình Disney, chắc hẳn bạn không thể nào quên hình ảnh những chú cá hề trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng Finding Nemo - Tựa tiếng Việt: Đi tìm Nemo. Bộ phim kể về hành trình đi tìm con đầy cảm động của chú cá Marlin. Từ một chú cá hề bé nhỏ quanh năm chỉ sống quanh quẩn trong đám san hô, vì con, Marlin đã phá bỏ giới hạn của chính mình, vượt qua nỗi sợ hãi, bước ra khỏi vùng nước an toàn để lên đường tìm Nemo.

Marlin là hình tượng điển hình của một người cha hết mực yêu thương, bảo bọc con cái vì sợ những nguy hiểm ngoài kia sẽ làm hại đến con mình. Trong cuộc sống, có không ít những người cha giống như tính cách của Marlin, luôn chăm sóc và bảo vệ con quá mức nhưng lại quên mất rằng, con cũng cần được lớn lên, được tự do khám phá, tự va vấp và tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình.

Trải qua nhiều gian nan thử thách, cuối cùng, Marlin đã tìm thấy con và nhận ra rằng chú cá Nemo bé nhỏ mạnh mẽ hơn mình nghĩ. Hai cha con trở nên cảm thông, hiểu cho nhau hơn, Marlin cũng từ đó tin tưởng con và trở nên dung hòa hơn trong cách yêu thương với Nemo.

Bộ phim đã truyền tải thông điệp sâu sắc về tình cảm gia đình, tình cha con, đồng thời trở thành bài học ý nghĩa dành cho các bậc phụ huynh, những người cha, người mẹ trong cách dạy con và thể hiện tình yêu thương đối với con trẻ.

2. Atticus Finch trong phim To Kill a Mockingbird (1962)

Atticus Finch là một luật sư da trắng ở một thị trấn nhỏ Alabama trong thập kỷ 1930, ông là người chính trực và luôn đặt công lý lên hàng đầu. Thời đó, phân biệt chủng tộc là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội. Người da đen bị xem là những người ở tầng lớp thấp nhất và họ không được đối xử công bằng Trong phim, Atticus là luật sư cho Tom, một người da đen đã bị tố là đã cưỡng hiếp và đánh đâp một cô gái da trắng. Dù nhiều người quen cố ngăn cản Atticus bào chữa cho Tom, ông vẫn giữ vững lập trường của mình. Ông đã đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục Tom không thể thực hiện tội ác nhưng bồi thẩm đoàn đã bị định kiến xã hội che mờ mắt và kết tội Tom.

Việc Atticus cương quyết giành lại sự công bằng cho Tom đã dạy cho hai đứa con anh bài học về sự đồng cảm và lòng bao dung. Hai đứa trẻ cũng học được từ cha chúng việc độc lập trong cách suy nghĩ và chiến đấu cho những lẽ đúng. Tuy một số người không đồng tình với cách dạy con của Atticus khi đã cho con tiếp cận với những vấn đề tranh cãi của xã hội từ quá sớm, nhưng thực chất việc làm này đã giúp bọn trẻ mở mang tầm mắt và phân biệt được đâu là đúng và sai.

Hình ảnh của Atticus Finch tạo ra sự khác biệt đối với tinh thần thời đại và truyền cảm hứng cho nhiều người. Ông là một người cha yêu thương và chia sẻ tri thức với con cái mình, khuyến khích họ suy nghĩ độc lập và đối mặt với sự không công bằng trong xã hội. Atticus Finch không chỉ là một nhân vật trong phim mà là một biểu tượng của lòng nhân ái và lòng dũng cảm, luôn sống mãi trong lòng khán giả và truyền cảm hứng cho thế hệ sau.

3. Guido Orefice trong phim Life is Beautiful (1997)

Bộ phim "Life is Beautiful", hay còn được gọi là Lời nói dối vĩ đại kể về cuộc sống trong trại tập trung của một ông bố người Do Thái Guido Orefice cùng vợ con của ông. Trại tập trung là một nơi người ta hay kháu nhau đầy sợ hãi với ý nghĩ “một đi không trở lại” và là điểm đến khiến những người đàn ông rắn rỏi nhất cũng phải bật khóc.

Tuy vậy, Guido vẫn giữ vững một tinh thần lạc quan để bảo vệ vợ và con trai của mình khỏi những sự thật khắc nghiệt. Ông bất chấp gửi tình ca cho vợ thông qua loa phát thanh để vợ sống bên trại nữ biết ông và con vẫn còn sống và luôn nghĩ về mẹ. Hay ông nói với con rằng những cậu bé bằng tuổi với con “biến mất” là do chúng đang chơi trốn tìm rất giỏi. Bằng những lời nói dối ấy mà Guido đã luôn giữ vững nụ cười trên môi của con trai mình và giúp con mình tin vào một cuộc sống tươi đẹp.

Gần cuối phim, khi trại tập trung đang hỗn loạn, Guido nói dối với con rằng mình sẽ chơi 1 trò chơi và bảo con núp đi khi anh đi kiếm vợ mình. Anh đã bị lính Đức bắt lại và bị đem đi xử bắn. Trong lúc bị dẫn giải, Guido đã đi qua chỗ con trai trốn và nháy mắt với con mình như đây vẫn là một phần của trò chơi. Sáng hôm sau khi lính Mỹ đến, con trai anh đã ra ngoài và hạnh phúc vì mình đã chiến thắng mà không biết Guido đã chết.

Hình ảnh người cha dũng cảm và quyết tâm của Guido đã chạm đến trái tim của nhiều khán giả. Anh không chỉ là một người cha mà còn là người bạn thân thiết, nguồn cảm hứng và niềm tin vững chắc cho con trai mình. Dù trong tình huống đen tối nhất, Guido vẫn tìm cách biến cuộc sống thành một trò chơi vui nhộn và giúp con trai nhìn nhận thế giới với ánh sáng và hy vọng.

4.Chris Gardner trong phim The Pursuit of Happiness (2006)

“The Pursuit of Happiness - Tựa tiếng Việt: Mưu cầu hạnh phúc” là một bộ phim đầy tính nhân văn kể về hành trình vươn lên khỏi sự nghèo đói để tìm kiếm hạnh phúc của Chris Gardner. Từ một người đàn ông đầy hoài bão, được sự ủng hộ của vợ khởi nghiệp, Chris trở nên nghèo túng vì công việc không suôn sẻ, cộng thêm những khoản nợ, khoản thuế, tiền thuê nhà đeo bám khiến Chris bỗng chốc mất tất cả, kể cả hôn nhân của mình.

Dù lâm vào cảnh tay trắng, Chris vẫn rất thương con và cố hết sức để giành lấy quyền nuôi con từ vợ. Hình ảnh người cha khắc khổ, dắt tay con đi khắp đường phố New York tìm chỗ ngủ mỗi ngày khiến người xem không khỏi xót xa. Chris Gardner có thể không phải là một người cha hoàn hảo, nhưng cách Chris chăm lo cho con và những gì anh làm đều hướng đến việc đảm bảo cuộc sống cho con trai, làm tròn trách nhiệm vốn dĩ của một người cha, dù hoàn cảnh có thế nào chăng nữa.

"The Pursuit of Happiness" cho ta thấy rất nhiều bài học về gia đình và câu chuyện về sự ảnh hưởng của bậc cha mẹ lên con cái. Chris chẳng bao giờ nói ra hai tiếng "từ bỏ", thậm chí anh còn nhắn nhủ với con trai rằng:

“Đừng để ai nói rằng con không thể làm được điều gì, kể cả là bố. Được chứ? Con phải bảo vệ ước mơ của mình. Những người thường không làm được như vậy sẽ hay xúi con nên từ bỏ ước mơ. Nếu con thực sự muốn điều gì, hãy bắt tay vào làm.”

Cách sống và tư duy của Chris Gardner đáng được chúng ta học hỏi, bởi Chris đại diện cho những người đàn ông, người cha với đầy lẽ sống ý nghĩa, nghị lực, luôn tin vào bản thân và cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Chính cách sống đó sẽ là tấm gương cho con trai bé bỏng noi theo khi cậu bé ấy lớn lên và bước vào đời.

5. Daniel Hillard trong phim Mrs. Doubtfire (1993)

Daniel là một diễn viên hài, tuy ham công tiếc việc nhưng là một người rất yêu thương gia đình của mình. Phim bắt đầu khi Daniel bị mất việc vì xảy ra tranh cãi với đạo diễn. Điều này cộng thêm việc anh là người bừa bộn, thích đùa, và không nghiêm túc khiến vợ anh không hài lòng và hai người sớm đường ai nấy đi. Do không có tài chính, quyền nuôi con thuộc về vợ anh và anh chỉ được gặp chúng 1 tuần 1 lần.

Khi biết được vợ đăng tin tuyển người giúp việc, anh đã giả trang thành một bà giúp việc tên Mrs Doubtfire và tới xin việc. Mặc dù đã thành công được nhận, Mrs Doubtfire không được lòng bọn trẻ. Tuy thế, sau một thời gian nỗ lực làm việc và quán xuyến nhà cửa, tất cả các thành viên trong gia đình đều xem Mrs Doubtfire là một nhân tố không thể thiếu. Daniel dưới tư cách là một người giúp việc trong gia đình cũng dần học được một vài kỹ năng dọn dẹp và có thời gian dành cho từng thành viên trong gia đình hơn.

Việc Daniel không ngại hoá trang thành một người phụ nữ và giúp việc trong gia đình của chính mình đã cho thấy anh một người cha không ngại khó khăn để ở gần và chăm sóc cho gia đình của mình. Chỉ cần có thời gian ở bên các con, anh sẽ làm tất cả mọi thứ và không ngừng cố gắng để khắc phục những khuyết điểm của mình. Sự tận tụy và hy sinh của Daniel đã tạo ra một dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả.

6. Mufasa trong phim The Lion King (1994)

Là một vị vua đáng kính của Vùng đất sư tử, Mufasa được Disney khắc hoạ đầy sức mạnh, uy quyền và khôn ngoan. Ngoài việc là một vị vua đầy uy phong, Mufasa còn là một người cha tốt khi luôn đồng hành bảo vệ và chăm sóc con trai Simba khỏi những hiểm nguy rình rập, giúp cậu hiểu rằng một ngày nào đó, Simba sẽ trở thành vị vua tiếp theo của Vùng đất Sư tử.

Dù chỉ xuất hiện trong một khoản thời gian ngắn nhưng không thể phủ nhận rằng Mufasa là tuyến nhân vật có sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt đối với chú sư tử Simba. Những bài học ngày bé khắc sâu trong tâm khảm chú sư tử con, trở thành kim chỉ nam để Simba tìm về nguồn cội, gây dựng lại cơ đồ ngày xưa cha mình đã tận tụy dựng xây, bảo vệ.

“The Lion King – Vua Sư Tử” đã thành công trong việc lồng ghép câu chuyện về thế giới hoang dã với tình cảm gia đình, tình cha con và vai trò của đấng sinh thành trong việc nuôi dạy, định hướng sự phát triển của một đứa trẻ. Bộ phim còn nhắn nhủ tất cả chúng ta rằng, dù ở độ tuổi nào, dù đi bất cứ đâu, trong tim ta vẫn luôn có hình bóng của những người thân yêu, và gia đình mãi là điểm tựa to lớn, tiếp thêm động lực, soi sáng cho ta trên con đường chinh phục những hoài bão lớn lao của cuộc đời.

Lời kết

Mỗi người cha sẽ có cách yêu thương và bảo vệ gia đình của mình theo những cách khác nhau. Sẽ có những người cha luôn nghiêm nghị với con như Mufasa, có những người cha luôn lạc quan và hài hước như Daniel Hillard, hoặc có những người cha luôn lo lắng thái quá như Marlin,.... Nhưng quan trọng nhất chính là họ luôn ở đó, xuất hiện khi vợ con và người thân cần nhất và sẵn sàng làm mọi thứ vì gia đình của mình.