Bài học dạy con biết cách cảm thông
Blog Nhịp Sống Khỏe

3 bài học giúp con biết cảm thông

Chúng ta thường ưu tiên dạy trẻ tính tự lập, giúp trẻ tự tin vào bản thân, nhưng dạy con biết cảm thông, đặc biệt khi trẻ có em nhỏ, cũng là phần quan trọng để giúp con trở thành người tử tế sau này.

Ngày nay, các bậc cha mẹ thường chú trọng vào việc dạy con sống độc lập, rèn luyện sự tự tin mà vô tình bỏ qua việc giúp trẻ phát triển sự cảm thông. Nhà tâm lý học, Tiến sĩ giáo dục Michele Borba cho rằng: “Trong vài chục năm gần đây, trẻ con dần thiếu có khả năng quan tâm và đồng cảm với người khác. Điều đó có thể đến từ xu hướng đề cao cái “tôi” hơn là “chúng tôi” trong đời sống hiện đại” - trích từ quyển sách Unselfie: Why Empathetic Kids Succeed in Our All-About-Me World (Tạm dịch: Sống Không Vị Kỷ - Lý do giúp trẻ thành công trong thế giới chỉ-vì-mình). Bà cũng đưa ra gợi ý cho phụ huynh có thể giúp con rèn luyện tính cảm thông ngay từ nhỏ, bắt đầu từ kỹ năng hiểu ý nghĩa hành động và biểu hiện cảm xúc của người khác thông qua 3 hoạt động đơn giản sau.

Chơi với trẻ nhỏ hơn: Khuyến khích con chơi với em khi bố mẹ bận, có thể là em ruột, em họ, hoặc hàng xóm... con bạn sẽ học được cách quan tâm người khác bằng việc quan sát cảm xúc của người bên cạnh.

Ban đầu, hãy hướng dẫn trẻ để ý đến các cảm xúc của em bé, như “Em đang cười kìa… con hãy cười đáp lại em đi”, hoặc thấy con khó chịu khi em bé khóc quấy thì bạn hãy nhắc con rằng: “chắc là do em đang khó chịu, con tìm hiểu xem tại sao em khóc trước khi nghĩ là em không ngoan nhé”.

Khi trẻ bắt đầu đi học, bạn hãy khuyến khích trẻ giao lưu bạn bè và cả những em nhỏ hơn tuổi để rèn luyện kỹ năng quan sát cảm xúc của mọi người, từ đó cư xử phù hợp, đó chính là nền tảng của sự cảm thông.

khuyến khích trẻ giao lưu bạn bè và những em nhỏ hơn tuổi

Xây dựng “từ điển cảm xúc”

Có một sự thật là nếu trẻ biết càng nhiều từ miêu tả cảm xúc thì khả năng hiểu được cảm xúc người khác càng cao.

Hãy giúp trẻ gọi tên và phân biệt các cảm xúc tích cực và tiêu của người đang trò chuyện với mình. Quan trọng hơn, bạn cần hướng dẫn cho con mình cách suy nghĩ và phản ứng phù hợp với các cảm xúc khác nhau mà trẻ sẽ gặp trong giao tiếp.

Những từ tích cực như: đồng tình, can đảm, bình tĩnh, gan dạ, quan tâm, động viên, thoải mái, tự tin, vui sướng, đồng lòng, sáng tạo, tò mò, phấn chấn, thích thú, hào hứng, tuyệt vời, dễ chịu, dịu dàng, hào phóng, hạnh phúc, yêu thích, vui mừng, yêu thương, bình yên, vui vẻ, tự hào, thư thái, yên tâm, an toàn, hài lòng,…

Những từ miêu tả tiêu cực, như: e sợ, khó chịu, giận dữ, lo lắng, khiếp sợ, bị lừa dối, chán, can đảm, bối rối, tàn nhẫn, tò mò, tuyệt vọng, thất vọng, mất tập trung, ghê tởm, xấu hổ, nổi điên, sợ hãi, chán nản, rầu rĩ, tội lỗi, đau lòng, phớt lờ, mất kiên nhẫn, bất an, ghen tỵ, cô đơn, mất mát, hoang mang, buồn, không hài lòng, hoảng sợ, nhạy cảm, nghiêm trọng, ngại ngùng, căng thẳng, bồn chồn, hồi hộp, băn khoăn, không thoải mái, âu lo,…

Một nghiên cứu đã tiết lộ rằng bố mẹ thường dùng những từ miêu tả cảm xúc khi nói chuyện với bé gái nhiều hơn bé trai. Đừng nghĩ bé trai không nhạy cảm, hãy dành thêm thời gian hướng dẫn con cách “đọc vị cảm xúc” từ bé, sau này bạn sẽ tự hào vì con mình là một chàng trai tinh tế, hiểu chuyện đấy.

Đối thoại trực tiếp

Trẻ học được cách đọc vị cảm xúc người khác thông qua việc giao tiếp bằng mắt. Khi nói chuyện với trẻ, bạn nên tập trung nhìn vào mắt trẻ và khuyến khích con làm theo. Đừng quên giải thích với con việc nhìn thẳng vào mắt người đang nói chuyện với mình không chỉ là phép lịch sự mà còn giúp con tự tin hơn. Để luyện được thói quen này, bạn có thể bắt đầu bằng việc cùng trẻ phân biệt màu mắt của người đối diện, hoặc chơi trò nhìn nhau không chớp mắt.

Dạy con đọc vị cảm xúc và giao tiếp bằng mắt

Cuối cùng, Tiến sĩ Borba dành lời khuyên cho bố mẹ hiện đại, rằng “Bố mẹ và con nên giảm tối thiểu thời gian dùng thiết bị điện tử và tăng thời gian tương tác cùng nhau. Trao đổi ánh mắt, trực tiếp tương tác sẽ giúp trẻ quan sát rõ cảm xúc từ người đối diện và dễ dàng tạo sự đồng cảm.”

Cùng Prudential tìm hiểu cách dạy con trở thành người tử tế trong chuỗi bài viết sau nhé!