số tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm nhân thọ
Blog Nhịp Sống Khỏe

Mối quan hệ giữa số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm nhân thọ

Có những yếu tố quan trọng nhất định bạn cần tìm hiểu rõ trước khi tham gia bảo hiểm nhân thọ. Trong đó phải kể đến số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm, bởi đây là yếu tố then chốt giúp bạn lựa chọn được sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính. Vậy số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm là gì? Giữa hai yếu tố này có liên quan gì với nhau không? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Số tiền bảo hiểm là gì?

Khá nhiều người cũng có thắc mắc Sum trong bảo hiểm là gì? Khái niệm này được hiểu là số tiền bảo hiểm.

Vậy số tiền bảo hiểm hoặc mệnh giá bảo hiểm (trong tiếng Anh được gọi là Sum Insured) là số tiền được ghi nhận trên hợp đồng mà dựa vào đó doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện chi trả các quyền lợi bảo hiểm cho người tham gia (quyền lợi ốm đau, bệnh tật, thương tật hay tử vong…).

Trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm, người tham gia được tùy chọn số tiền bảo hiểm phù hợp với khả năng đóng phí và được công ty bảo hiểm chấp thuận.

Hiện nay, số tiền bảo hiểm được phân chia thành 3 loại:

  • Số tiền bảo hiểm gốc: Là số tiền bảo hiểm ghi nhận tại thời điểm hợp đồng có hiệu lực.

  • Số tiền bảo hiểm gia tăng: Được xác định khi khách hàng điều chỉnh tăng số tiền bảo hiểm gốc vào Ngày kỷ niệm hợp đồng, tính từ năm hợp đồng thứ hai trở đi.

  • Số tiền bảo hiểm giảm: Trường hợp người mua bảo hiểm yêu cầu thay đổi mức phí bảo hiểm đã thỏa thuận trước đó với giá trị thấp hơn, thì số tiền bảo hiểm cũng giảm tương ứng vào Ngày kỷ niệm hợp đồng.

 

Phí bảo hiểm là gì?

Bên cạnh thuật ngữ số tiền bảo hiểm, thì khái niệm phí bảo hiểm cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Theo đó, phí bảo hiểm là số tiền mà khách hàng phải đóng cho công ty bảo hiểm để duy trì hiệu lực hợp đồng. Mức phí bảo hiểm được xác định dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như: loại sản phẩm bảo hiểm, khả năng bồi thường, tỷ lệ rủi ro, thu nhập từ đầu tư và mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm.

Thông thường, phí bảo hiểm được công ty bảo hiểm phân chia thành 2 loại chính là: phí thuần và phụ phí bảo hiểm.

  • Phí thuần: Là khoản phí dùng để chi trả trong các trường hợp người được bảo hiểm gặp các biến cố về tính mạng, thân thể, sức khỏe.

  • Phụ phí: Đây là khoản phí cần thiết để công ty bảo hiểm đảm bảo chi trả cho các khoản phí trong hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm như truyền thông, quảng cáo, môi giới, thuế, quản lý hợp đồng cho khách hàng…

 

Về hình thức đóng phí bảo hiểm, người tham gia có thể đóng phí 1 lần duy nhất ngay từ khi bắt đầu hợp đồng hoặc chia ra đóng nhiều lần theo tháng/quý/năm (tùy theo thỏa thuận).

Thông thường, mọi người lựa chọn đóng phí bảo hiểm định kỳ theo tháng, quý hoặc năm bởi phương thức này vừa linh hoạt, vừa giúp hình thành thói quen tiết kiệm có kỷ luật. Song, nếu đã có nguồn tài chính vững chắc, bạn vẫn có thể lựa chọn đóng phí bảo hiểm 1 lần để an tâm tận hưởng quyền lợi bảo vệ tài chính dài lâu, không lo rủi ro phát sinh làm ảnh hưởng đến khả năng đóng phí.

>> Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn cách tính phí bảo hiểm nhân thọ

Số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm có mối quan hệ thế nào?

Số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm có mối quan hệ chặt chẽ và tỷ lệ thuận với nhau, thể hiện rõ qua công thức:

Phí bảo hiểm = Tỷ lệ phí x Số tiền bảo hiểm

Trong đó: Tỷ lệ phí được công ty bảo hiểm tính toán khác nhau cho mỗi nhóm đối tượng ứng với từng sản phẩm bảo hiểm độc lập.

Từ công thức trên ta thấy được rằng, nếu số tiền bảo hiểm cao thì phí bảo hiểm cao và ngược lại. Trong đó, số tiền bảo hiểm là căn cứ để xác định quyền lợi cũng như định phí bảo hiểm. Khi người tham gia đóng phí đầy đủ và đúng hạn, công ty bảo hiểm sẽ dựa trên cơ sở đó thực hiện chi trả số tiền bảo hiểm theo ghi nhận trên hợp đồng khi đáo hạn hoặc có sự kiện bảo hiểm phát sinh. 

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm, nhờ đó giúp bản thân chủ động hoạch định tài chính tốt hơn và lựa chọn tham gia sản phẩm phù hợp. Nếu còn băn khoăn không biết nên tham gia gói bảo hiểm nào và mức phí bao nhiêu hợp lý, hãy liên hệ với Prudential ngay hôm nay để được tư vấn và giải đáp chi tiết nhé!

>> Xem thêm các thuật ngữ bảo hiểm khác: TẠI ĐÂY