Khi nào nên cắt lỗ cổ phiếu?
Blog Nhịp Sống Khỏe

Khi nào nên
cắt lỗ cổ phiếu?

Trên thị trường chứng khoán, cắt lỗ đồng nghĩa với chấp nhận đánh mất một phần tài sản của nhà đầu tư. Quyết định này chưa bao giờ là dễ dàng bởi “đồng tiền đi liền khúc ruột", thế nhưng nếu không chấp nhận “chịu đau trong ngắn hạn", bạn sẽ có khả năng rơi vào ngõ cụt hay “cháy tài khoản" hoàn toàn về sau.

 

Hậu quả của việc không cắt lỗ đúng lúc

Hầu hết các nhà đầu tư hiện nay khi bắt đầu giao dịch đều chỉ nghĩ đến viễn cảnh tươi đẹp là tài khoản sinh lời mà ít nghĩ đến trường hợp thua lỗ. Do đó, khi thị trường diễn biến theo chiều hướng xấu, họ loay hoay không biết làm gì và tiếp tục “gồng lỗ” với hy vọng thị trường sớm hồi lại và cổ phiếu của họ sẽ tăng giá. Tuy nhiên họ không biết rằng, để có thể quay lại điểm hòa vốn, cổ phiếu cần tăng mạnh rất nhiều lần so với mức giảm.

Ví dụ: Nhà đầu tư có số vốn ban đầu là 100 triệu đồng và đầu tư hết vào cổ phiếu A. Khi cổ phiếu A giảm 7%, nhà đầu tư này quyết định cắt lỗ và sau đó thực hiện mua cổ phiếu B. Vậy khi đầu tư cổ phiếu B, nhà đầu tư này cần phải có % sinh lời là bao nhiêu để có thể quay lại được số vốn ban đầu?

  • Số tiền còn lại của nhà đầu tư khi bán cổ phiếu A: 100tr x (1 -7%) = 93 triệu

  • % mức sinh lời nhà đầu tư cần đạt được để có lại được số vốn ban đầu:

                        (100tr - 93tr)/93tr = 7.5%

Như vậy khi lỗ 7% bạn cần có mức sinh lời 7.5% để quay lại mức vốn ban đầu. Dựa theo công thức trên, nếu bạn để lỗ 25%, 50% và 75% thì cần phải có mức sinh lời lần lượt là 33%, 100% và 300% để có thể quay lại được số vốn ban đầu.

Có thể thấy, nếu nhà đầu tư không chấp nhận sai lầm sớm và hành động nhanh chóng thì khoản lỗ ngày càng lớn và rất khó để có thể trở lại mức vốn ban đầu.

 

Cắt lỗ - đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được

Khi đầu tư, ai cũng đặt nặng việc kiếm được lợi nhuận tuy nhiên họ lại thường quên rằng việc giữ tiền cũng quan trọng không kém. Vì khi còn tiền là còn cơ hội và cũng tương tự, mất tiền cũng là mất cơ hội.

Tuy nhà đầu tư nào cũng hiểu về khái niệm “cắt lỗ”, rất ít người làm được thế, đặc biệt là những người ít kinh nghiệm. Bởi đối với họ, cắt lỗ đồng nghĩa với việc thừa nhận họ đã sai và họ không chấp nhận được điều đó. Đó còn là những cảm giác níu kéo, tiếc nuối, hy vọng trong vô vọng,...

Người ta hay ví tâm lý này như tâm lý của ông già trong truyện ngụ ngôn “Bắt gà tây”. Theo đó, khi đã bẫy được 10 con gà vào chuồng, ông già vẫn không chịu giật cổng vì hy vọng sẽ có thêm một vài con nữa mắc bẫy. Sau đó, có 1 con gà xổng ra và ông già hối tiếc vì sao mình không giật sớm. Tiếc là thế nhưng ông vẫn chưa chịu giật cổng với hy vọng chú gà kia sẽ quay lại để rồi thay vào đó lại có thêm 2 chú gà nữa xổng chuồng. Chuyện này cứ tiếp diễn cho đến khi trong chuồng không còn gà nữa và ông đi về tay không.

Thông qua câu chuyện này, ta có thể thấy nếu nhà đầu tư không kỷ luật với quy tắc cắt lỗ của mình, họ sẽ dễ bị cảm xúc chi phối và đến khi nhận ra, họ đang đối mặt với nguy cơ “cháy tài khoản”.

 

Cắt lỗ như thế nào là hợp lý?

Khi đầu tư chúng ta luôn muốn thu được lợi nhuận từ chính đồng vốn của mình. Nhưng không phải tất cả các khoản đầu tư đều mang lại lợi nhuận, chúng ta vẫn thường mắc nhiều sai lầm dẫn đến thua lỗ. Nếu bạn biết cách cắt lỗ, ít nhất bạn vẫn còn vốn để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.

Trên thực tế, không có một quy tắc xác định mức cắt lỗ cụ thể. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể lưu ý các điểm sau:

  • Trong nhiều tài liệu chứng khoán thường hướng dẫn nhà đầu tư nên đặt mức cắt lỗ khi giá giảm 7 - 8%. Mặc dù là giới hạn rất hợp lý bởi vì nó không quá khó để bạn có thể lấy lại vốn ban đầu. Tuy nhiên, chúng ta không nên áp dụng một cách quá cứng nhắc trong mọi trường hợp. Bạn có thể bán sớm hơn mà không cần chờ cổ phiếu giảm về điểm cắt lỗ khi diễn biến trở nên xấu. Hoặc có thể tăng mức dừng lỗ lên theo mức tăng của cổ phiếu để bảo vệ khoản lợi nhuận của mình.

  • Câu trả lời chính xác nhất cho việc cắt lỗ khi nào sẽ phụ thuộc vào lý do mà bạn mua cổ phiếu, phương pháp đầu tư và mức độ chịu đựng rủi ro của mỗi cá nhân. Nếu bạn xác định đây là khoản đầu tư dài hạn, bạn chỉ nên cắt lỗ khi các hoạt động kinh doanh của công ty có sự thay đổi xấu, khiến những đánh giá ban đầu không còn phù hợp. Ngược lại, nếu bạn cho đây là khoản đầu tư ngắn hạn theo thị trường, bạn có thể sử dụng phương thức cắt lỗ theo tỷ lệ % nhất định hay sử dụng các tín hiệu kỹ thuật để ra quyết định. Mỗi cá nhân nên xây dựng quy tắc cắt lỗ phù hợp với bản thân và không nhất thiết đặt ra mức cắt lỗ giống nhau cho tất cả các khoản đầu tư.

 

 

Một số lưu ý về chiến lược cắt lỗ

Mặc dù không có công thức chung cho việc cắt lỗ, nhưng bạn có thể tham khảo một số lưu ý sau đây để xây dựng chiến lược cho bản thân.

Đừng sợ mua lại cổ phiếu mà bạn đã từng cắt lỗ. Có 2 nguyên nhân mà bạn vẫn nên đầu tư lại cổ phiếu mà mình từng cắt lỗ: Thứ nhất, để có thể đầu tư vào một cổ phiếu bạn tốn khá nhiều thời gian để quan sát và nghiên cứu, do đó bạn đã nắm khá rõ về cổ phiếu này mà không cần bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu lại. Thứ hai, một cổ phiếu trước khi vào đà tăng mạnh thường sẽ trải qua nhiều lần kiểm tra cung cầu và chẳng may bạn giao dịch vào đúng những thời điểm này khiến khoản đầu tư bị cắt lỗ. Do đó, sau khi cắt lỗ cổ phiếu, bạn đừng vội xóa cổ phiếu khỏi tầm mắt bạn, hãy thêm chúng vào danh mục theo dõi và chờ cơ hội để tham gia lại.

Chỉ nên đầu tư cổ phiếu có mức sinh lời gấp 2 - 3 lần mức cắt lỗ. Giả sử bạn giới hạn khoảng lỗ của mình ở mức 7% cho mỗi giao dịch, để quản trị rủi ro tốt nhất thì bạn nên tìm kiếm các cổ phiếu có mức sinh lời kỳ vọng ở mức 21%. Điều này có nghĩa là mỗi giao dịch, bạn sẽ thắng 3 nhưng chỉ lỗ 1. Như vậy bạn chỉ cần quyết định đúng 1 lần trong khi được phép sai phạm 3 lần mà vẫn không gặp phải rắc rối.

Nên thay đổi điểm cắt lỗ theo diễn biến thị trường. Trước khi giao dịch, bạn nên chuẩn bị sẵn một điểm cắt lỗ cho mình, nhưng không nên giữ nguyên nó trong suốt thời gian nắm giữ. Có 2 trường hợp bạn cần nên thay đổi điểm cắt lỗ của mình:

  • Trường hợp 1: Bạn có thể cắt lỗ sớm hơn mức dự định ban đầu, ngay khi phát hiện ra một vài rủi ro tiềm ẩn cho một đợt giảm giá mạnh. Việc đặt ngưỡng cắt lỗ ở mức xác định không đồng nghĩa là bạn phải chờ giá giảm đúng vào điểm đó thì mới bán. Mức cắt lỗ ban đầu mang ý nghĩa là khoản tiền tối đa bạn chấp nhận mất khi quyết định của bạn sai, nó không hàm ý là bạn cần phải mất đúng số tiền này.

  • Trường hợp 2: Bạn nên thay đổi điểm cắt lỗ khi giá cổ phiếu tăng lên, điều này sẽ giúp bạn bảo vệ tốt lợi nhuận của mình. Giả sử bạn mua cổ phiếu với giá 10 và đặt cắt lỗ tại giá 9, nếu giá cổ phiếu tăng lên 13 thì bạn nên dời điểm cắt lỗ của mình lên giá 11, như vậy sẽ giúp bạn bảo vệ tốt lợi nhuận của mình và tránh để khoản lợi nhuận trở thành khoản lỗ nếu bạn giữ nguyên mức cắt lỗ ban đầu.

 

Đừng đặt mức cắt lỗ quá “dày”. Một khoản lỗ lớn cần mức tăng lớn hơn nhiều để bù đắp được số tiền đã mất. Mặc dù việc đặt mức cắt lỗ xa so với giá mua giúp bạn có thể tránh được những tín hiệu nhiễu của thị trường. Tuy nhiên, nếu mức cắt lỗ đó được kích hoạt thì bạn cần phải mất rất nhiều thời gian và công sức để quay lại mức xuất phát ban đầu.

 

 

Tổng kết

Cơ hội luôn luôn có trên thị trường, chỉ là bạn có còn khả năng để tiếp tục đầu tư hay không. Do đó, đừng xem đầu tư là một canh bạc, hãy trang bị các kiến thức cho mình và học cách giữ tiền trước khi kiếm được tiền. Cắt lỗ sẽ là công cụ bảo vệ tiền của bạn, đừng nghĩ cắt lỗ là mất tiền hãy xem nó là bảo hiểm cho khoản đầu tư của mình.