4 lời khuyên chống mất ngủ khi thị trường chứng khoán tiến về vùng đáy
Chứng kiến sự lao dốc của thị trường chứng khoán, những nhà đầu tư kì cựu biết rằng thị trường và nền kinh tế sẽ phục hồi dù sớm hay muộn, và họ có xu hướng chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn này thay vì hoảng sợ trước tình hình hiện tại.
Đơn cử, trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, nhiều nhà đầu tư đã ồ ạt bán tháo cổ phiếu đang nắm giữ. Tuy nhiên, thị trường sau khi chạm đáy vào tháng 3 năm 2009 đã dần “lấy lại phong độ” và tăng trưởng vượt xa so với giai đoạn trước khủng hoảng. Những nhà đầu tư dài hạn chọn đứng yên trước đà sụt giảm của thị trường không những đã vượt qua thời kỳ khó khăn một cách ngoạn mục mà còn thu được mức lợi nhuận hấp dẫn.
Song, trên thực tế, khi thị trường chứng khoán đi xuống và giá trị khoản đầu tư giảm dần, khó có nhà đầu tư nào không lo lắng vì “đồng tiền đi liền khúc ruột”. Băn khoăn của nhiều người trong tình huống này là “Tôi có nên rút khoản đầu tư khỏi thị trường chứng khoán không?”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, câu hỏi lúc này nên là “Tôi không nên làm gì?”. Dưới đây là 4 gợi ý để giữ bình tĩnh dù cổ phiếu tiếp tục “xa bờ”.
Hiểu khả năng chấp nhận rủi ro của bản thân
Đối với nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm, sự sụt giảm liên tục của thị trường chứng khoán toàn cầu gây ra không ít tâm lý bất an. Đó là lý do chúng ta cần chuẩn bị khả năng chấp nhận rủi ro ngay từ bước xây dựng danh mục đầu tư, chứ không phải đến khi thị trường trong giai đoạn bán tháo.
Khả năng chấp nhận rủi ro của mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thời gian đầu tư, nhu cầu tiền mặt, cảm xúc và phản ứng khi gặp thua lỗ. Để tự đánh giá mức độ chịu rủi ro của bản thân, chúng ta có thể trả lời bảng câu hỏi hiện được cung cấp miễn phí bởi các trang web về đầu tư, hoặc thử nghiệm đầu tư chứng khoán ảo. Với đầu tư chứng khoán ảo, nhà đầu tư được trang bị kiến thức về thị trường, cách đặt lệnh, lên kế hoạch, điều tiết cảm xúc khi thị trường lên xuống để đưa ra quyết định giao dịch đúng lúc.
Nhìn vào viễn cảnh xa hơn
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng mặc dù lợi nhuận từ cổ phiếu có thể khá biến động trong ngắn hạn nhưng lại thể hiện tốt hơn hầu hết các loại tài sản khác trong dài hạn. Trong khoảng thời gian đủ dài, những đợt giảm mạnh nhất cũng giống như những cú hích trong xu hướng dài hạn của thị trường.
Nhìn vào tương lai dài hạn cũng sẽ cho phép chúng ta coi sự sụt giảm lớn của thị trường là cơ hội để tích luỹ thêm, thay vì là mối đe doạ đối với tài khoản tiết kiệm cố định.
Ngừng việc liên tục theo dõi diễn biến của thị trường
Trong khi nhiều nhà đầu tư đang đau đáu với câu hỏi phải làm gì trước sự biến động khó lường của thị trường, tỷ phú Warren Buffett cho biết câu trả lời rất đơn giản: Đừng lo lắng quá nhiều!
Trong một buổi phỏng vấn với CNBC vào năm 2016, ông chia sẻ: “Tôi sẽ nói với họ (các nhà đầu tư) rằng đừng theo dõi thị trường quá chặt chẽ”. Lời khuyên được đúc rút từ cách đây 6 năm nhưng vẫn có giá trị đến hiện tại.
Nhà đầu tư huyền thoại quá cố Jack Bogle cũng đồng ý với quan điểm của Buffet và đề xuất chiến lược mua và giữ. Ông cho rằng mua cổ phiếu và nắm giữ chúng là cách tốt nhất để đầu tư bởi vì “cảm xúc chính là thứ sẽ đánh bại bạn” nếu bạn cứ chăm chăm bán cổ phiếu của mình để tránh thua lỗ.
Chuẩn bị cũng như đặt giới hạn cho những tổn thất tài chính
Nắm chắc cách thức hoạt động của thị trường chứng khoán giúp chúng ta nhận định và phân tích xác đáng trước các đợt suy thoái bất ngờ, từ đó đưa ra những quyết định đầu tư sáng suốt. Tuy vậy, những rủi ro trên thị trường là khó đoán định và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy, chúng ta nên chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản tồi tệ nhất và có chiến lược kỹ lưỡng để giảm thiểu những tổn thất có thể xảy ra.
Để tránh tổn thất và cạm bẫy tiềm ẩn khi đặt tất cả trứng vào một giỏ, chúng ta có thể chia nhỏ quỹ đầu tư thành nhiều khoản, đa dạng hóa danh mục đầu tư, hoặc sử dụng các khoản đầu tư thay thế như bất động sản…
Bảo hiểm liên kết đầu tư cũng là một lựa chọn để bảo vệ chúng ta trước những tổn thất tài chính. Đây là giải pháp giúp bảo vệ đồng thời đầu tư sinh lợi nhuận; nghĩa là người tham gia sẽ vừa được bảo vệ tài chính trước các rủi ro, vừa có cơ hội gia tăng tài sản tích lũy qua hoạt động đầu tư tại các quỹ liên kết.
Điều kiện và nhu cầu của mỗi nhà đầu tư là khác nhau, do đó cách ứng phó trước sự sụt giảm của thị trường chứng khoán là không giống nhau. Một chiến lược hợp lý sẽ cho phép chúng ta tránh những cạm bẫy tiềm ẩn khi đầu tư và “kê cao gối ngủ ngon” trước những biến động của thị trường.