Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Đồng tiền chạy đi đâu thế mẹ ơi?

“Ai làm ra đồng tiền?", "Tiền dùng để làm gì?", hay "Đồng tiền chạy đi đâu?"? Bạn đã bao giờ lờ đi hoặc cố chuyển chủ đề khi “bị” bé đặt ra các câu hỏi về tiền hay chưa? Với nhiều bậc phụ huynh, tiền bạc là một trong các chủ đề khá khó khăn để trò chuyện cùng con. Tuy nhiên, việc giải thích sớm cho con về ý nghĩa và cách sử dụng đồng tiền là bước đầu rất quan trọng giúp bé tự lập trong quản lý tài chính cá nhân sau này. Hãy để Prudential giúp bạn trả lời các câu hỏi “khó” của con và dạy con những bài học chi tiêu đầu tiên nhé!

1. “Bố mẹ đã kiếm tiền như thế nào?”

Hãy bắt đầu bài học tài chính của con bằng việc giải thích cho bé về việc tiền bạc không tự sinh ra. Tiền được nhà nước in ấn theo kế hoạch mỗi năm và bố mẹ phải đi làm mỗi ngày để được trả lương vào tài khoản mỗi cuối tháng. Bạn không nhất thiết phải kể cho con mức lương cụ thể của mình, nhưng hãy chia sẻ cùng con cách gia đình bạn có được những nguồn thu nhập khác nhau. Ví dụ như: bố đi làm công ty, mẹ đi dạy trên trường buổi sáng và dịch sách tại nhà buổi chiều, anh trai con nhận việc thiết kế qua mạng, ông bà có lương hưu và có nhà cho thuê…

Đồng thời, hãy tạo điều kiện để chính bé có thể làm ra tiền. Trẻ con luôn muốn được làm người lớn, vậy nên hãy tạo cơ hội cho bé được “kiếm tiền” như các thành viên trưởng thành trong gia đình. Ví dụ như: cho bé khoản tiêu vặt mỗi tuần, thưởng mỗi khi bé đạt điểm tốt, thưởng khi bé làm việc nhà giúp mẹ hoặc đấm bóp vai cho bố…

2. “Bố mẹ dùng tiền để làm gì?”

Hãy tận dụng những lúc cùng con đi mua sắm để chia sẻ với con cách bạn chi tiêu trong gia đình: “Bố mẹ chia lương làm 5 phần, phần to nhất để mua thức ăn và đồ gia dụng, phần to nhì để đóng học phí cho con, phần thứ ba để dành cho cả nhà đi chơi cuối tuần, phần thứ tư để trả tiền điện, nước, xăng…, phần còn lại dành cho quỹ tiết kiệm của heo đất”. Ngoài ra, hãy chỉ cho con cách bạn cân nhắc khi mua sắm. “Mình mua vé xem phim hạng thường thôi con nhé, như vậy tháng này mình sẽ xem được 3 phim thay vì 2 phim đấy!”.

Sau khi làm mẫu, hãy để bé thực hành phân bổ chi tiêu trên chính khoản tiền tiêu vặt bố mẹ cho mỗi tháng, chẳng hạn như chia thành Quỹ học, Quỹ chơi, Quỹ tiết kiệm. Do đây là khoản tiền của con, hãy để con tự mua sắm đồ bé thích và bạn có thể đứng bên làm “cố vấn tài chính”. Là một cố vấn của con, bạn sẽ chỉ đặt câu hỏi mở cho con và để con ra quyết định cuối cùng; chẳng hạn như thay vì nói “Đắt quá, mẹ không mua xe đạp mới cho con đâu” hãy chuyển thành Nếu con mua chiếc xe đạp đó, con sẽ cần để dành 6 tháng tiền tiêu vặt. Con có chắc sẽ không cần mua thêm gì khác trong 6 tháng tới không?”.

3. "Bố mẹ để dành tiền cho những mục đích gì?”

Bên cạnh việc chỉ con cách tiêu tiền thông minh, dạy con tiết kiệm tiền cũng quan trọng không kém. Bố mẹ cần làm gương cho bé: hãy để con biết mỗi tháng bạn để dành được bao nhiêu tiền tiết kiệm và cho những mục đích gì. Bạn cũng đừng lo rằng bé sẽ không hiểu. Các bé sẽ học rất nhanh nếu bạn biết cách hình tượng hóa ngôn ngữ tài chính: “Một tháng cả nhà kiếm được 10 phần, mẹ sẽ để dành ra 4 phần. Trong đó, một phần mẹ gửi nhà băng, một phần ông bà mua vàng, một phần khác bố mua bảo hiểm để bảo vệ cả gia đình, phần cuối cùng mẹ bỏ vào Quỹ Heo khẩn cấp. Bé Heo này sẽ giúp nhà mình khi cần thiết…”

Hãy giao cho con nhiệm vụ “nhắc nhở” mẹ bỏ tiền tiết kiệm vào heo đất mỗi tháng, bé sẽ nhớ nhanh hơn. Ngoài ra, bạn có thể hướng dẫn bé để dành khoảng 1/3 số tiền của mình vào 3 quỹ khác nhau: Heo ngắn hạn, Heo dài hạn, Heo khẩn cấp. Đây là những quỹ giúp bé tiết kiệm cho mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp.

4. "Mình đi làm từ thiện con nhé!”

Nhiều cha mẹ thường lấy “chuyện cũ” ra răn con mỗi khi bé xin tiền hay đòi mua thứ gì không hợp lý: “Hồi bằng tuổi con bố mẹ còn không có mà ăn”. Thay vì dạy con bằng những câu chuyện quá khứ bé chưa từng chứng kiến, hướng dẫn con tham gia hoạt động từ thiện sẽ là cách giáo dục trực quan sinh động giúp bé nhận ra mình đang may mắn có điều kiện sống tốt hơn so với nhiều bạn cùng trang lứa, từ đó biết trân trọng những gì bé đang có. Bạn không muốn con tiêu xài hoang phí? Hãy dẫn con theo trong những chuyến tình nguyện vùng sâu vùng xa, để bé hiểu số tiền tiêu vặt hàng tuần của con có thể đủ cho những gia đình khó khăn sinh hoạt trong một tháng. Bạn không hài lòng khi con mua nhiều quà vặt và bỏ thừa trong bữa cơm? Hãy cùng con đi hỗ trợ các bếp cơm từ thiện, khi đó không cần bạn nhắc nhở, bé cũng tự thấy cần trân trọng thức ăn mình đang có. Làm từ thiện không những giúp bé mở rộng tầm hiểu biết và rèn những phẩm chất đáng quý, mà đó còn là cơ hội cho bạn dạy con cách sử dụng đồng tiền: tiền bạc không chỉ để tiêu xài hay dành dụm – tiền bạc còn để sẻ chia.

Và để bé hiểu hơn về chu kỳ sử dụng tiền bao gồm Kiếm tiền - Để dành - Tiêu xài và Quyên góp, hãy cùng con xem tập 1 của video hoạt hình Cha Ching và trả lời những câu hỏi vui dưới đây nhé!

>>> Xem thêm:

Cha-Ching là loạt phim hoạt hình giáo dục kĩ năng tài chính do Prudential phát triển dành cho trẻ em từ 7-12 tuổi. Thông qua các bộ phim hoạt hình âm nhạc vui nhộn, các em sẽ được học cách đưa ra các quyết định tài chính của mình để đạt được mục tiêu cá nhân và thực hiện ước mơ trong tương lai